Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi nói về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông giải thích thế nào về số liệu khác nhau (số tỉnh và diện tích đất) giữa Chính phủ và Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội (QH) về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng?

 

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi nghĩ con số dưới 300.000 ha và 10 tỉnh chính xác hơn. Thống kê này được làm khá kỹ sau khi đi thực tế tới từng tỉnh có cho nước ngoài thuê đất trồng rừng.
 
* Vấn đề được các đại biểu QH rất quan tâm là yếu tố quốc phòng-an ninh khi cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, trong đó có cả khu vực biên giới. Quan điểm của ông thế nào?
 
- Đúng là có việc cho thuê đất trồng rừng ở một số vùng liên quan tới quốc phòng-an ninh. Đáng lẽ những dự án như vậy phải có ý kiến của các cơ quan quốc phòng-an ninh trước khi ra quyết định cấp giấy phép đầu tư.
 
Lấy đất làm sân golf, trồng rừng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: THẾ DŨNG
 
* Gần 300.000 ha đất đã cấp giấy phép đầu tư có bảo đảm về quốc phòng-an ninh?
 
- Điều đó phải xem cụ thể trên từng dự án.
 
* Ông nghĩ sao khi các đại biểu QH lo ngại trước việc đất nông nghiệp, đất rừng đang bị lấy một cách dễ dãi cho các dự án đầu tư?
 
- Đất đai là vấn đề rất lớn cho nên chúng ta phải thực hiện nghiêm Luật Đất đai. Trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm từng centimet vuông đất. Làm khu công nghiệp, đô thị phải tính toán một cách căn bản để dành đất cho người dân sản xuất vì nước ta là nước nông nghiệp.
 
* Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương thời gian qua đã bộc lộ mặt đáng lo ngại như cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. Chính phủ sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này?
 
- Chính phủ sẽ tập hợp tất cả những tồn tại hiện nay liên quan tới các dự án về sử dụng đất đai quy mô lớn trong các dự án đầu tư nước ngoài để có chủ trương đúng mức, sát thực hơn.
 
Đầu tư là để tạo điều kiện cho người dân địa phương có việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống vì thế việc lấy đất của người dân phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết như lấy đất làm sân golf, trồng rừng... phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
* Tức là những dự án sử dụng nhiều đất nông nghiệp, đất rừng sẽ phải báo cáo thủ tướng Chính phủ xem xét chứ địa phương không được phê duyệt theo phân cấp, phân quyền hiện nay?
 
- Đã có quy định về việc địa phương được phê duyệt tới bao nhiêu diện tích đất. Tuy nhiên, sắp tới, các dự án liên quan tới việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng hay làm sân golf, đô thị... đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 

Việc phân cấp mạnh cho địa phương trong công tác quản lý đất đai đã xuất hiện một số mặt đáng lo ngại,  trong đó có một vài địa phương cho nước ngoài thuê đất với diện tích lớn tại những khu vực nhạy cảm như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

(Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng)

* Nhiều nước rất hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, rừng đặc dụng, phòng hộ... để làm các khu công nghiệp, đô thị hay triển khai các dự án đầu tư. Chính phủ sắp tới có quy định cụ thể và chuyển theo hướng này hay không?
 
- Đó là một hướng rất đúng. Theo tôi, làm khu công nghiệp, đô thị phải hạn chế tối đa sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa vì phải mất hàng ngàn năm chúng ta mới có được đất trồng lúa như hiện nay.
 
* Với quan điểm đó thì sẽ quy định thế nào đối với các siêu dự án lấy nhiều đất nông nghiệp như quy hoạch thủ đô hay đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM?
 
- Những dự án như quy hoạch thủ đô phải được HĐND, QH thông qua chủ trương và Chính phủ phê duyệt. Theo Luật Đô thị, các dự án quy hoạch thủ đô và đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM sau khi lấy ý kiến hay được chấp thuận chủ trương của QH, Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để phê duyệt một cách chặt chẽ theo tinh thần tiếp thu nghiêm túc.
 
Quốc hội thông qua nhiều dự luật
 
Theo tin từ Văn phòng Quốc hội (QH), trong tuần làm việc cuối cùng (từ ngày 14 đến 19-6), QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Bưu chính; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại; Luật An toàn thực phẩm; Luật Ngân hàng Nhà nước VN (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
 
Đặc biệt, QH sẽ xem xét thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM. Ngoài ra, QH cũng biểu quyết thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề; nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 66/2006/QH11 (ngày 29-6-2006) của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư; nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008...
 
Trong tuần, QH cũng thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Tố tụng hành chính, Luật Viên chức, Luật Khoáng sản (sửa đổi) và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. QH cũng thảo luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
T.Dũng
 

Tạm dừng cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

 
Sau khi nghe Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên – Môi trường báo cáo về việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Thứ nhất, các địa phương tạm dừng cấp giấy phép đầu tư nước ngoài trong thời gian trước mắt. Thứ hai, các địa phương đã cấp phép thì tạm dừng giao, cho thuê đất với các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Bộ Kế hoạch-Đầu tư kiểm tra, đánh giá đầy đủ các mặt để từ đó có đề xuất. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ có quyết định cần thiết theo hướng không ngăn đầu tư nước ngoài nhưng phải bảo vệ được tài nguyên gắn với môi trường, quốc phòng - an ninh...

 

                                                                                    Theo NLĐ

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục