Các Đại biểu tại lễ kỷ niệm.

Các Đại biểu tại lễ kỷ niệm.

Trao Giải báo chí quốc gia lần thứ tư - năm 2009. Tối 21- 6, tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Các đồng chí: Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng; Ðỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng; Lê Ðức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa, thư chúc mừng. Ðến dự, có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH; Nguyễn Ðức Kiên, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và Hà Nội; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà báo lão thành, đại diện một số gia đình liệt sĩ - nhà báo cùng đông đảo cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo.


Ðồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đọc diễn văn nêu bật truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Cách đây vừa tròn 85 năm, ngày 21-6-1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, trực tiếp làm chủ bút, xuất bản Báo Thanh Niên, Cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Báo Thanh Niên ra đời tham gia chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiến tới thành lập Ðảng ta vào ngày 3-2-1930. 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta, báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn phấn đấu hoàn thành sứ mệnh của mình là vũ khí tư tưởng sắc bén phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðồng thời là cuốn biên niên sử cập nhật những diễn biến lịch sử trọng đại của dân tộc ta, mô tả trung thực và hùng hồn sự thật lớn vẻ vang và thấm đẫm máu, nước mắt, mồ hôi của một dân tộc thấm nhuần và sẵn sàng hy sinh tất cả cho chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do, để vươn tới mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Sau khi ôn lại những chặng đường vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà, đồng chí nhấn mạnh: Gần 25 năm qua, công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong những thành tựu đó, những người làm báo Việt Nam tự hào về những đóng góp của mình. Báo chí kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những sáng kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí là tiếng nói của Ðảng, Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, làm cầu nối giữa ý Ðảng với lòng dân. Ðồng thời, báo chí tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chống các tệ nạn xã hội, chống lại các âm mưu và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Theo đà phát triển của công cuộc đổi mới, báo chí nước ta đã có những bước tiến bộ nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng. Ðội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, trưởng thành về nhiều mặt...


Trong niềm vinh dự, tự hào kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Ðảng và Nhà nước trao tặng, những người làm báo cả nước bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đối với Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã thường xuyên quan tâm, chăm lo, rèn luyện đội ngũ những người làm báo, tạo điều kiện để báo chí nước nhà phát triển. Những người làm báo nguyện trung thành với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Ðảng ta, dân tộc ta, đem hết tài năng và tâm huyết để phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước.


Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ghi nhận công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất cho lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng trao Huân chương Sao Vàng  cho lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam.


Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam. Ðồng chí khẳng định: 85 năm đã trôi qua kể từ khi Báo Thanh Niên ra đời, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí nước ta đã tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Từ trong máu lửa của các cuộc kháng chiến, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam.


Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí nước ta tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, tổ chức và vận động thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại... Các nhà báo đã bám sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, cổ vũ nhân tố mới, dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện trì trệ, tiêu cực; đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo ra  hôm nay). 


Tại lễ kỷ niệm, nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đại diện cho lớp nhà báo lão thành cách mạng và nhà báo nữ TTXVN Ðoàn Tuyết Nhung, đại diện cho lớp phóng viên trẻ đã phát biểu ý kiến bày tỏ  niềm tự hào sâu sắc về truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam; nguyện phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ để ngày càng có nhiều bài báo chất lượng tốt phục vụ bạn đọc.


* Cũng trong tối qua, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ tư năm 2009 cho 130 tác phẩm, bao gồm 1 giải A, 19 giải B, 54 giải C và 56 giải khuyến khích. 18 tác phẩm khác cũng được Hội đồng Giải báo chí quốc gia quyết định trao Giấy chứng nhận.


Ðồng chí Ðinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia, trình bày báo cáo, nêu rõ: Tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ tư có 962 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, được sơ tuyển từ 50 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 43 liên chi hội, chi hội và cơ quan báo chí ở Trung ương. Trong đó, có 138 tác phẩm của các cộng tác viên. Qua vòng chấm sơ khảo, 148 tác phẩm báo chí thuộc 8 loại giải đã được chọn vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo lựa chọn một cách nghiêm túc, khách quan để Hội đồng Giải báo chí quốc gia trao giải cho 130 tác phẩm.


Các tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ tư là những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện nỗ lực của những người làm báo Việt Nam, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, phản ánh trung thực cuộc sống sôi động đang diễn ra trên đất nước ta, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã trao Giải A duy nhất thuộc loại Giải báo hình dành cho tin, phóng sự, phóng sự điều tra cho tác phẩm "Trạm cân Dầu Giây - Lợi bất cập hại" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Anh và Dương Thế Hiển (Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ðồng Nai).


Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và một số đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao 19 giải B, 54 giải C cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.


Ban Tổ chức trao 56 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả.


Tham gia Giải báo chí quốc gia lần thứ tư - năm 2009, Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân có nhóm tác giả Phan Lợi, Nguyễn Minh Trí, Lê Phong Nguyên và Phan Tấn Nguyên với tác phẩm "Các khu kinh tế miền trung làm gì để thu hút vốn đầu tư?" đoạt giải B (không có giải A); nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng và Lê Khải Hoàn với tác phẩm "Công trình đê biển xuyên thế kỷ ở Hà Lan"; tác giả Nguyễn Văn Bình với tác phẩm "Phong trào cánh tả lan rộng ở Mỹ la-tinh" đoạt giải C; ba tác giả, nhóm tác giả khác đoạt giải Khuyến khích.


* Ngày 21-6, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ Ðề án 30 của Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen cho Báo Nhân Dân và 11 cơ quan báo chí có thành tích trong công tác tuyên truyền, góp phần vào thành công của Ðề án 30 giai đoạn 2007 - 2010.


Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và  đánh  giá  cao đóng góp của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền các bước thực hiện của Ðề án 30. Các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa người dân và các cơ quan chức năng, nhằm từng bước hoàn thiện các thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðồng chí đề nghị, Ðề án 30 đang ở thời điểm nước rút, vì vậy các cơ quan báo chí cần tiếp tục tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, góp phần vào thành công của đề án.


Nhân dịp này, đồng chí chúc mừng các cơ quan báo chí và tập thể những người làm báo nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.


* Sáng 21-6, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt đại biểu lãnh đạo của các cơ quan báo chí quân đội.


Cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống báo chí cả nước, báo chí quân đội hiện có đủ các loại hình: báo viết, báo nói, báo điện tử. Ðội ngũ cán bộ, phóng viên có trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, dũng cảm, luôn bám sát địa bàn, cơ sở và bộ đội để hoạt động nghề nghiệp. Báo chí quân đội thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, giữ vững định hướng chính trị, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, các lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, thật sự làm nòng cốt giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HÐH, hội nhập quốc tế.


* Sáng 21-6, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và gặp mặt thân mật các hội viên, các nhà báo đang làm việc ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn. Ðồng chí Hồ Xuân Mãn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế dự và chia vui cùng đội ngũ những người làm báo.


Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hồ Xuân Mãn đánh giá cao hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo và ghi nhận những đóng góp quan trọng của báo chí Trung ương, địa phương trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, cổ vũ, động viên nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


* Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 21-6, Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang đã tổ chức gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn. Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 85 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam; sự lãnh đạo của Ðảng, Bác Hồ với sự nghiệp báo chí nước nhà. Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sáng Vang mong các nhà báo tăng cường bám sát cơ sở, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Ðảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.


* Sáng 21-6, Hội Nhà báo Phú Yên tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải thưởng Báo chí Phú Yên lần thứ III năm 2009. Tham dự, có các đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ðình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng gần 150 nhà báo đang hoạt động tại cơ quan báo chí trong tỉnh.


Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp ôn lại truyền thống tốt đẹp của báo chí Cách mạng Việt Nam và để xã hội tôn vinh những người làm báo. Ðây cũng là dịp để mỗi nhà báo - những người cầm bút hoạt động trên lĩnh vực báo chí không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và rèn luyện đạo đức báo chí để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Tại lễ kỷ niệm đã có 14 tác phẩm xuất sắc được chọn trao giải báo chí tỉnh năm 2010 và chín hội viên Hội Nhà báo tỉnh được trao tặng Kỷ niệm chương vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp báo chí.


* Sáng 21-6, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND, MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, chúc mừng các cơ quan báo chí trong tỉnh và phóng viên các cơ quan báo chí T.Ư thường trú tại địa phương, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo vào sự phát triển chung của cả nước và địa phương.


Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Ninh Thuận đã trao Giải báo chí truyền thống tỉnh Ninh Thuận lần thứ 3 năm 2009.


* Sáng 21-6, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 5 năm Ngày thành lập Báo Quốc phòng Thủ đô. Thực hiện chức năng cơ quan của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, tiếng nói của lực lượng vũ trang nhân dân Hà Nội, Báo Quốc phòng Thủ đô góp phần tích cực tuyên truyền, cổ vũ thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương và xây dựng TP Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững mạnh toàn diện.
 
                                                                            Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục