Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với các đại biểu dự đại hội

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với các đại biểu dự đại hội

Từ ngày 26 đến 28-9, tại tỉnh Bình Phước đã diễn ra Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ðồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự và chỉ đạo đại hội. Dự đại hội có đại biểu các ban, ngành T.Ư; đại diện các thế hệ lãnh đạo trong tỉnh; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 350 đại biểu.

 
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bình Phước khóa 8 trình bày tại Ðại hội nêu rõ: "Năm năm qua, kinh tế trong tỉnh tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực đều phát triển, thu ngân sách đạt mục tiêu đề ra, thu hút đầu tư có chuyển biến, chính sách khuyến khích đầu tư được bổ sung kịp thời; kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13,2%. Công nghiệp xây dựng tăng từ 18% (2005) lên 24,1% (2010); dịch vụ từ 25,3% tăng lên 28,8% và nông, lâm, thủy sản giảm từ 56,7% xuống còn 47,1%. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng bình quân trong nhiệm kỳ 21%.


Kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt được tăng cường và phát triển. Có 85% số hộ nông thôn được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh. Ðại hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Ðại hội đề ra nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu định hướng phát triển cho nhiệm kỳ (2010 - 2015) là: Tiếp tục phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Ðẩy mạnh quá trình CNH, HÐH, tăng nhanh hàm lượng khoa học và công nghệ cao trong sản phẩm. Phấn đấu GDP bình quân tăng 13 - 14% để bình quân thu nhập đến năm 2015 đạt 36 - 38 triệu đồng/người. Thu ngân sách tăng bình quân 15 - 17%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 55 - 55,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện đạt 95%; Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm là 60%.


Phát biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội, đồng chí Nguyễn Minh Triết biểu dương những thành tích to lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Phước đã đạt được, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới tác động nhưng kinh tế của tỉnh tăng trưởng liên tục và tốc độ khá cao so với bình quân cả nước. Tiềm năng thế mạnh của tỉnh đang được khai thác và phát huy có hiệu quả. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; đặc biệt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh biên giới được bảo đảm. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, phát triển. Ðồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua nhất là công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết có hiệu quả, nhất là các vấn đề liên quan đất đai, công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị có cố gắng và chuyển biến nhưng còn chậm, một số mặt còn hạn chế.


Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Một là, tỉnh cần tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp phải là thế mạnh của tỉnh trong tương lai. Phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn để thu hút các nguồn vốn trong nước và ngoài nước. Ðó là điều kiện tốt để phát triển nhanh công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Về lâu dài, cần có định hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao và cả dịch vụ cao cấp. Bình Phước phải đồng thời quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Tăng cường thương mại, dịch vụ qua các cửa khẩu biên giới.


Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần có quy hoạch, định hướng và có chính sách phát triển, nhất là quy hoạch các vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng năng suất. Ðẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản. Gắn kết chặt chẽ lợi ích người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ; giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Quản lý rừng và bảo vệ rừng, không để mất rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.


Thứ hai, cần đặc biệt quan tâm công tác xóa nghèo, thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn. Khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Phát triển nhanh hệ thống y tế, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của trạm y tế cơ sở. Tỉnh cần mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, phải đưa phong trào học tập phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân. Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Thứ ba, Ðảng bộ phải luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt. Chủ động đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định và tình đoàn kết hữu nghị với nước bạn Cam-pu-chia.


Thứ tư, các cấp ủy phải tập trung trí tuệ và công sức đầu tư cho công tác xây dựng Ðảng đúng với ý nghĩa là nhiệm vụ then chốt, vai trò quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Hơn lúc nào hết phải dành ưu tiên cho công tác tư tưởng trong tình hình hiện nay trước sự công phá của các thế lực thù địch, họ tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Ðẩy mạnh Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong xây dựng Ðảng, chính quyền và đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì hiệu quả sẽ tốt hơn...


Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Bình Phước đã bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khóa 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015, gồm 55 đồng chí. Ðồng chí Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, được Ðại hội bầu lại làm Bí thư. Ðại hội cũng đã bầu 15 đồng chí dự Ðại hội XI của Ðảng.


* Ngày 27-9, tại TP Tam Kỳ, Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ðồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội. Ðồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, gửi điện và lẵng hoa chúc mừng Ðại hội. Cùng dự có đồng chí Trương Quang Ðược, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng là lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo chủ chốt của BCH Ðảng bộ tỉnh qua các thời kỳ; cùng 350 đại biểu đại diện cho hơn 45 nghìn đảng viên trong Ðảng bộ tỉnh.


Ðồng chí Nguyễn Ðức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, phát biểu ý kiến khai mạc Ðại hội. Báo cáo chính trị của BCH Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ qua do đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trình bày tại Ðại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh và suy giảm kinh tế tác động nhiều mặt, nhưng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ 19 đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 17,7 triệu đồng/năm; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển. Diện mạo cả khu vực thành thị và nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các mục tiêu về văn hóa - xã hội đã thực hiện đạt và vượt. Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa có nhiều chuyển biến; chất lượng giáo dục, đào tạo nghề có bước cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện các chính sách xã hội, chính sách đối với các gia đình có công với đất nước được quan tâm đúng mức. Lĩnh vực quốc phòng và an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng được nâng lên một bước. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng được tăng cường; công tác xây dựng Ðảng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả...


Phát biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội, đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam nỗ lực phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Ðồng chí nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong năm năm qua là rất lớn, đáng trân trọng, thể hiện quyết tâm vươn lên của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam. Song Quảng Nam vẫn còn là tỉnh có nhiều khó khăn; quy mô kinh tế còn nhỏ bé, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng công tác quy hoạch còn thấp, quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thủy sản phát triển chưa đồng bộ, nuôi trồng chưa vững chắc. Quản lý và khai thác tài nguyên, nhất là khoáng sản, rừng và đất đai còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp. Các giải pháp đã thực hiện trong việc phòng, tránh bão lũ, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra chưa thật sự bảo đảm an toàn, vững chắc; chưa nhân rộng được các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa vẫn còn những bất cập; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...


Ðồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ: Quảng Nam là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung; liền kề với Khu Kinh tế Dung Quất và Ðà Nẵng, với những cảng biển, sân bay lớn và nằm trên trục đường bộ hành lang Ðông - Tây của các nước Ðông - Nam Á; có bờ biển dài hơn 125 km, diện tích rừng, đất đai lâm nghiệp lớn, có hai Di sản văn hóa thế giới cùng với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển. Những tiềm năng và lợi thế đó sẽ là tiền đề quan trọng để Quảng Nam vững bước đi lên trong chặng đường sắp tới. Song cũng phải thấy hết những khó khăn, thách thức, kịp thời xử lý, khắc phục để phục vụ cho các mục tiêu phát triển.


Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Quảng Nam cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 39-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị "về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm  an ninh, quốc phòng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ". Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp và dịch vụ. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn hơn nữa để thu hút, huy động mạnh mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là đối với Khu Kinh tế mở Chu Lai; thúc đẩy việc triển khai xây dựng Trung tâm cơ khí ô-tô để trở thành dự án động lực cho Khu Kinh tế mở này. Ðẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; quy hoạch, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đổi mới phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã; phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.


Ðảng bộ Quảng Nam cần tiếp tục quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương thức, nội dung đào tạo, tiếp tục thực hiện xã hội hóa giáo dục; xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tuyến. Tỉnh cần thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo nhanh, bền vững;  tích cực đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.


Ðồng chí Trương Tấn Sang lưu ý, trong nhiệm kỳ tới, Ðảng bộ Quảng Nam phải tích cực đổi mới tư duy, nâng tầm trí tuệ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố vững chắc khối đoàn kết trong toàn Ðảng bộ; tăng cường công tác tư tưởng, gắn kết công tác tư tưởng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ðẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với công tác xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tích cực chăm lo công tác cán bộ và xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác phát triển đảng; tập trung giải quyết dứt điểm các tổ chức cơ sở đảng yếu kém và tình trạng "trắng" đảng viên ở các địa bàn. Ðồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ hy vọng rằng, với một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, văn hóa; có tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường; Ðảng bộ và nhân dân Quảng Nam sẽ tiếp tục đổi mới, nhanh chóng vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.


Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm việc đến ngày 29-9.


* Ngày 27-9, tại TP Hải Dương, Ðảng bộ tỉnh Hải Dương khai mạc Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ 15, nhiệm kỳ 2010-2015. Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội. Dự Ðại hội có các đồng chí: Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Ðức Kiên, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng là lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư; đại diện Quân khu 3, lãnh đạo Ðảng bộ tỉnh Hưng Yên, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ; cùng 315 đại biểu đại diện cho hơn 90 nghìn 600 đảng viên trong toàn Ðảng bộ.


Ðồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đọc diễn văn khai mạc Ðại hội. Báo cáo Chính trị của BCH Ðảng bộ nhiệm kỳ vừa qua do đồng chí Nguyễn Thị Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trình bày tại Ðại hội nêu rõ: Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2005 - 2010,  được triển khai thực hiện trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhất là cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh, quốc phòng bảo đảm; công tác xây dựng Ðảng và hoạt động của hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực...


Phát biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội, Ðại tướng Phùng Quang Thanh biểu dương những kết quả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời, chỉ rõ những mặt còn hạn chế. Ðồng chí nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể trong Báo cáo Chính trị thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu đến năm 2020, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Ðây là ý chí dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên của toàn Ðảng bộ và nhân dân Hải Dương. Vì vậy, từ nay đến năm 2015, Hải Dương phải quyết tâm phấn đấu cao và có giải pháp đột phá để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người.


Ðồng chí Phùng Quang Thanh lưu ý tỉnh Hải Dương cần đầu tư, chăm lo cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại; đẩy mạnh chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt quy hoạch đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, có giải pháp cơ cấu và phát triển kinh tế vùng đô thị, ven trục giao thông, trung du và vùng đồng bằng. Rà soát các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, lựa chọn những ngành, sản phẩm có giá trị lớn, chất lượng cao, công nghệ tiên tiến; phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, là cầu nối giữa Hà Nội, Hải Dương và các thành phố ven biển; xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị trung tâm, văn minh, hiện đại của tỉnh và của cả vùng. Tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội; tăng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm. Thường xuyên coi trọng, thực hiện tốt các nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt và vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng;  đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".


Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương tiếp tục làm việc đến ngày 28-9.


* Sáng 27-9, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Lâm Ðồng lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015, chính thức khai mạc. Ðồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Ðại hội. Dự Ðại hội có lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, các vị lão thành cách mạng, cùng 310 đại biểu đại diện cho gần 29 nghìn đảng viên trong toàn Ðảng bộ tỉnh.


Ðồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng đọc diễn văn khai mạc Ðại hội. Báo cáo Chính trị do đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trình bày tại Ðại hội khẳng định: Năm năm qua, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội Lâm Ðồng có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hằng năm đạt 14%; cơ cấu GDP có sự chuyển biến tích cực;  thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, tăng 2,8 lần so với 2005. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm năm đạt 11.285 tỷ đồng, riêng năm 2010 đạt 3.050 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu năm năm đạt 1.200 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm năm đạt 32.328 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với thời kỳ 2001 - 2005. Tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 24 nghìn lao động; hoàn thành phổ cập giáo dục THCS vào năm 2009; có 75% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%; 66,4% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; 86,3% thôn, khu phố có tổ chức đảng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quốc phòng luôn được bảo đảm...


Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Ðại hội, đồng chí Phạm Quang Nghị đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng đã đạt được trong năm năm qua. Ðồng chí yêu cầu Ðại hội phải nghiêm túc nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ qua để có giải pháp khắc phục có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới. Ðồng chí chỉ đạo BCH Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ: Cần phải tận dụng tối đa ưu thế về tiềm năng, thế mạnh để phát triển ngành dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; cần xác định những khâu, những lĩnh vực có bước đột phá mạnh mẽ để tỉnh phát triển nhanh và hiệu quả hơn; góp phần quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên sớm trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước. Tỉnh cần coi trọng hơn nữa công tác xây dựng và quản lý; thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch tổng thể, chi tiết. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, coi trọng đào tạo tại chỗ và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 10-NQ/T.Ư (khóa X) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ði đôi với việc tiếp tục củng cố các tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh, Ðảng bộ tỉnh cần đặc biệt coi trọng củng cố, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Ðảng, trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...


Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Lâm Ðồng tiếp tục làm việc đến ngày 29-9.
 
 
 
                                                                                               Theo ND

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục