Ngày 2-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ 11. QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

 

Những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Thảo luận về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, cử tri đánh giá cao sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự giám sát có hiệu quả của QH, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước nên cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu QH đề ra cho năm 2010.
Ý kiến các đại biểu: Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Lê Thanh Liêm (Long An), Bế Xuân Trường (Bắc Cạn), Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc), Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đều đồng tình với những nội dung nêu trong các báo cáo nói trên. Theo đó đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan và các địa phương. Ðể tăng cường ổn định vĩ mô, từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán của nền kinh tế trong những năm sắp tới (2011- 2015), các đại biểu đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp tổng hợp và linh hoạt hơn. Trước mắt, trong năm 2011 cần tập trung ổn định vĩ mô. Ðại biểu Trần Du Lịch lưu ý trong năm tới cần tập trung vào vấn đề phân bổ  đầu tư và vấn đề sử dụng ngân sách. Nếu chúng ta tiếp tục cách phân bố đầu tư như hiện nay có thể gây nên tình trạng bất ổn kinh tế trong những năm tới.

Nhiều đại biểu cũng đã phân tích thực trạng vừa qua của doanh nghiệp Nhà nước, trong đó một số tập đoàn kinh tế đã và đang bộc lộ những yếu kém cần sớm khắc phục. Các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm tiến hành tổng kết, đánh giá hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có cơ chế quản lý hợp lý, chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước. Ðại biểu Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng) kiến nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên quản để quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, điều đó sẽ được thể hiện như nghị quyết giám sát tối cao của QH tại kỳ họp thứ sáu của QH khóa XII về việc xây dựng luật về quản lý vốn và tài sản nhà nước.

Theo nhiều đại biểu, trong năm 2011 và những năm sắp tới, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và dựa trên năng suất tổng hợp. Một số đại biểu cho rằng, cần tập trung nguồn lực hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; đầu tư các khu công nghệ cao... Ðại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) nhấn mạnh, cần tập trung phát triển công nghiệp nuôi trồng, công nghiệp chế biến, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn đủ mạnh. Ðại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, cần đặt nhiệm vụ phát triển công nghiệp phụ trợ thật sự là ưu tiên, không để chậm và lỡ cơ hội. Có chủ động được công nghiệp phụ trợ mới giúp cho ngành sản xuất công nghiệp, nhiều ngành hàng có giá trị gia tăng, chúng ta sớm giảm dần tỷ lệ sản xuất gia công hay chỉ làm thuê. Muốn vậy phải được thể chế bằng văn bản pháp quy để bảo đảm khả thi trong tổ chức thực hiện. Ðại biểu Nguyễn Hữu Ðồng (Nam Ðịnh) nhấn mạnh cần tập trung đầu tư khu công nghệ cao, từ đó tạo ra được nhiều sản phẩm để cạnh tranh ở trong nước và với thế giới. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) phân tích, hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam chỉ chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đó so với Phi-li-pin là 33%, Trung Quốc là 39%, Thái-lan 49% và Ma-lai-xi-a là 67%. Vì vậy, cần có bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ và có những chính sách phù hợp để khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ thì chúng ta mới tạo ra được sức bật mới cho nền kinh tế.

Theo đại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) dù còn nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nhưng không thể phủ nhận sự quyết tâm của Ðảng, Nhà nước, nhân dân và nhất là sự điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trong năm qua. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trước đây năm năm, đến nay vẫn chưa có tiến bộ rõ rệt. Công tác quản lý ngành chưa được thực hiện tốt, chẳng hạn như việc hạn chế các lễ hội... vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Ðội ngũ cán bộ, công chức nói thu gọn thì càng phình ra, nói tinh gọn thì càng tăng lên. Sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình còn yếu. Việc cải cách tiền lương đã thực hiện đến năm thứ chín nhưng hiệu quả hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do việc bố trí nhân sự. Người không hiểu sâu về chuyên môn lại được bố trí những trọng trách cần có chuyên môn giỏi. Ðại biểu này đề nghị, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, công tác quy hoạch cán bộ, thực thi nghiêm chỉnh pháp luật. Người đứng đầu trong các đơn vị phải là người có chuyên môn giỏi... Các cán bộ cần dành nhiều thời gian đi cơ sở, quan tâm công tác chuyên môn, hạn chế dự các lễ hội, tổng kết.

Ðại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng ngang nhau, như vậy sẽ làm cho đời sống một bộ phận dân cư bị giảm xuống. Nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt và không có giải pháp mạnh thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ còn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, mức bội chi ngân sách cần nghiên cứu và đưa ra con số thực chất để có biện pháp thiết thực và sự đánh giá chính xác, tránh gây ra tình trạng lạm phát. Ðể giảm mức bội chi ngân sách, đại biểu này đề nghị cần giảm đầu tư cho xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách.

Các đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), Ngô Quang Xuân (Ðồng Tháp) cho rằng, nền kinh tế đang tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định, như vấn đề cung cầu ngoại tệ hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là do nhập siêu và tình trạng này còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Nếu đến năm 2015 mới giảm mức nhập siêu là quá muộn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Ðại biểu này đề nghị, năm 2011, cần tập trung quản lý nhập siêu và trong năm năm tới cần giảm mức nhập siêu xuống, qua đó góp phần bảo đảm ổn định của đồng tiền Việt Nam và cân bằng cung cầu ngoại tệ. Bên cạnh đó, cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với những diễn biến tiền tệ trong khu vực...

Ðại biểu Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) nêu một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động chưa hiệu quả. Ðó là quản trị doanh nghiệp kém, không tuân theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ dành quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước mà chưa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ... Ðại biểu Nguyễn Ðăng Trừng đề nghị, cần áp dụng triệt để nguyên tắc ngân sách cứng đối với doanh nghiệp Nhà nước, nghĩa là cần xóa bỏ mọi hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp Nhà nước, không nhận việc trả nợ, xử lý thay cho doanh nghiệp Nhà nước, tính đủ chi phí đối với doanh nghiệp Nhà nước theo giá thị trường.

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc phát biểu ý kiến giải trình thêm vấn đề liên quan giám sát đầu tư và việc thực hiện chế độ báo cáo đầu tư của các bộ, ngành, địa phương với các cơ quan T.Ư theo quy định của Luật Ðầu tư. Theo đó, hằng năm, bộ có yêu cầu các địa phương báo cáo kế hoạch đầu tư cụ thể cho từng dự án, từng công trình. Qua báo cáo, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thấy rằng, các địa phương thực hiện tốt, các bộ cũng thực hiện tốt, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện chưa đầy đủ. Năm 2008, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, giám sát tiến độ đầu tư, bộ thành lập bảy đoàn kiểm tra, trong đó, sáu đoàn đi địa phương, một đoàn đi doanh nghiệp nhà nước thì đoàn đến doanh nghiệp nhà nước gặp một số khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động của các tập đoàn đang trong giai đoạn thí điểm, vì vậy sẽ xuất hiện những khó khăn, hạn chế vừa từ những hạn chế đó các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý rút kinh nghiệm, rút ra những bài học để không xảy ra những sai phạm như ở Tập đoàn Vinashin. Ðại biểu này cho rằng, cần có cơ chế và hệ thống pháp luật mới để kiểm soát  và quản lý chặt chẽ hơn vốn đầu tư. Về các dự án đầu tư,  hiện đang được thực hiện một cách nghiêm túc, ở các địa phương và ở các bộ. Cho nên gần đây những vụ việc sai phạm lớn trong đầu tư đã được hạn chế dần. Ðặc biệt là những việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước không có tình trạng như PMU 18 trước đây. Hiện nay đang có một quan niệm sai lầm là muốn để cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động như doanh nghiệp tư nhân. Ðiều đó là không thể được. Vấn đề vốn, vấn đề chủ sở hữu, vấn đề đại diện chủ sở hữu... rất cần làm rõ. Tư nhân là vốn của cá nhân, doanh nghiệp Nhà nước là vốn của Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước mất vốn thì Nhà nước mất vốn, nhân dân mất vốn mà chính đó là tiền thuế đóng góp của mỗi người dân. Vì vậy, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn bằng các cơ chế chính sách, bằng nghị định. Hiện nay Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư triển khai một loạt các nghiên cứu để xác lập lại vai trò chủ sở hữu là thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý đại diện chủ sở hữu; xem lại cơ chế đầu tư để lập lại trật tự đầu tư trong doanh nghiệp Nhà nước...

Quan tâm vùng miền núi đặc biệt khó khăn

Trong thảo luận, nhiều đại biểu đã đề cập những nội dung việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và các chương trình, mục tiêu quốc gia tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo nhìn nhận của một số đại biểu, trong 10 năm qua, nước ta đã có nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực này. Các nguồn lực thực hiện chính sách đã được tăng cường, phạm vi đối tượng tham gia được thụ hưởng, chất lượng cung cấp dịch vụ an sinh xã hội từng bước được nâng cao, các chương trình dự án đầu tư xây dựng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát huy được hiệu quả và được nhân dân đồng tình, phấn khởi. Thời gian qua chúng ta đã ban hành khá nhiều chính sách liên quan đến đời sống của nhân dân nói chung, đặc biệt là nhân dân ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số thiểu số, vùng nông thôn. Ðó là những chính sách được quy định trong Luật Ðất đai, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Du lịch... Có thể nói, các bộ, ngành đã tích cực tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa bằng nhiều quyết định như Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình 193 về di dời dân khỏi vùng thiên tai, Quyết định 160 về các chính sách ở biên giới và các chính sách như 112, 134, 133... Tuy nhiên, các chính sách còn manh mún, không đồng bộ, chồng chéo và thiếu sự liên kết. Nhiều chương trình, dự án do nhiều bộ, ngành khác nhau chủ trì. Việc phân bổ nguồn vốn cũng theo nhiều thời điểm khác nhau, dẫn đến có nhiều nội dung của chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn trùng lặp, không phát huy được hiệu quả. Hệ thống bộ máy triển khai thực hiện còn yếu và thiếu sự đồng bộ, chưa có sự liên kết giữa các bộ phận, còn thiếu sự thống nhất giữa các bộ, ngành...

Ðại biểu Lò Văn Muôn (Ðiện Biên) cho rằng, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển của Ðảng, Nhà nước nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng này với các vùng khác. Nhưng thực tế cho thấy, mục tiêu này chưa đạt được, khoảng cách chênh lệch ngày càng giãn ra. Vì thế chúng ta phải xem lại cách thức, mức độ và quy mô đầu tư của Nhà nước cho các vùng đặc biệt khó khăn. Ðể sự quan tâm, giúp đỡ này có hiệu quả, với mỗi dự án, chương trình sau khi đã nghiên cứu đầy đủ, cần đầu tư thỏa đáng, phù hợp với từng vùng, miền và đầu tư 'ra tấm ra món'. Khi chương trình, dự án đã được phê duyệt, phải ưu tiên bố trí vốn kịp thời, tránh việc phê duyệt xong... để đấy, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước. Theo đại biểu Y Ngọc (Kon Tum), trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành T.Ư, tránh trùng lắp các chương trình. Ðề nghị Chính phủ cho rà soát và thực hiện lồng ghép toàn bộ chương trình giảm nghèo hiện nay thành một chương trình tổng thể.  Ðại biểu Phùng Ðức Dinh (Sơn La) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam xem xét và có chính sách đặc thù đối với các địa bàn có công trình xây dựng thủy điện, nhất là các công trình thủy điện lớn như thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình và sắp tới là công trình thủy điện Lai Châu. Qua đó đáp ứng được cùng lúc các mục tiêu quan trọng là giúp đồng bào sống được bằng nghề rừng bền vững, lâu dài và tăng tuổi thọ các công trình thủy điện, hạn chế thiên tai, lũ lụt, bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần tăng tỷ lệ độ che phủ rừng. Ðại biểu Ðiểu Ðiều (Bình Phước) cũng đề nghị Chính phủ nên gộp lại các danh mục của 15 chương trình mục tiêu lớn để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Ðại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) quan tâm đời sống của nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, dân tộc thiểu số và cho rằng, hiện nay, mức sống giữa nhân dân nơi đây với nhân dân thành thị ngày càng chênh lệch. Người dân nghèo còn chịu nhiều thiệt thòi về giáo dục, y tế, giao thông, điều kiện sinh hoạt... Chính phủ cần có chính sách đặc thù để tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho nhân dân miền núi, dân tộc thiểu số được hưởng thụ những thành quả của công cuộc đổi mới nền kinh tế.

Khai thác bô-xít phải bảo đảm an toàn tối đa

Trong phiên thảo luận sáng qua, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã giải trình với QH về những băn khoăn của nhiều cử tri, nhiều nhà khoa học sau sự cố bùn đỏ ở Hung-ga-ri, đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ vấn đề về môi trường tại dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định và phê duyệt, tuy nhiên nhiều cử tri phân vân cách thẩm định này như thế nào. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, đã thành lập Hội đồng thẩm định bao gồm 18 nhà khoa học, gồm các giáo sư, các phó giáo sư và các tiến sĩ, chủ yếu là các viện trưởng, phó viện trưởng, giám đốc trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học. Các thành viên Hội đồng này nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định các lĩnh vực khoa học liên quan công tác bảo vệ môi trường của hai nhà máy. Chung quanh nhiều ý kiến quan ngại và lo lắng chuyện có phá rừng Tây Nguyên hay không? Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói, theo Luật Khoáng sản, tất cả chỗ nào là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa dân tộc dứt khoát không được cấp phép khai thác mỏ.

Về những băn khoăn liệu có xảy ra hiện tượng thẩm thấu bùn đỏ hay không? Bộ trưởng giải thích, hiện nay tiêu chuẩn của thế giới và tiêu chuẩn của Việt Nam coi bùn đỏ này là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại. Và đã là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại thì độ thấm 10 mũ trừ 12 độ thấm là an toàn nhất, không thể thấm được. Viện Vật lý địa cầu cũng đã vào đo từ nhiều năm nay, đã xác định độ động đất tối đa là đến cấp 5, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu trong thiết kế ở đây là đến cấp 7. Thông thường tất cả các nước trên thế giới khi đo cấp động đất cao hơn hai cấp là tiêu chuẩn quy định và bắt buộc. Viện Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đo và theo dõi khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gãy tại khu vực thực hiện công trình.

Theo Bộ trưởng, hiện nay trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đặt vấn đề đưa ra các giải pháp có khả năng vỡ hồ, vỡ hồ thì làm như thế nào. Thường trong khu chứa bùn đỏ này chia ra làm các lô, như ở Bra-xin, mỗi một hồ là khoảng 45 đến 50 ha, ở Việt Nam để hệ số an toàn hơn trong diện tích 108 ha, chia ra ở tám hồ. Khi thải ra hồ thứ nhất, nếu có sự cố vỡ thì hồ thứ hai hứng phần vỡ của hồ thứ nhất, tương tự như vậy với các hồ khác...

Trước tình hình ở Hung-ga-ri xảy ra sự cố bùn đỏ và trước sự quan tâm của dư luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị đoàn công tác sang Hung-ga-ri để xem xét tất cả những vấn đề của nước bạn. Sau khi về, với ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của dư luận nhân dân, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, xem những gì còn chưa chính xác, còn thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung. Ngày 28-10 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức giao lưu trực tuyến để nghe ý kiến của nhân dân, cộng đồng và tất cả những người phản ánh về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên.

Cũng trong buổi sáng, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã báo cáo một số nội dung chung quanh vấn đề về quản lý đánh giá giám sát đối với tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tập đoàn Vinashin. Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý và phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp. Phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và phải có một chế tài đồng bộ, đủ mạnh để bắt buộc các doanh nghiệp chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra và kiểm tra.

Về ý kiến cho rằng, hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỷ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Theo số liệu Bộ Tài chính nắm được của Hội đồng Quản trị Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30-6-2010 số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ đồng, nhưng mà tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỷ đồng. Như vậy, tiền vay đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả. Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này.

Bảo vệ môi trường và quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội

Trong thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường. Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) cho rằng, việc bảo vệ môi trường tuy đã được quan tâm nhưng chưa có kết quả cụ thể, nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đã không đạt yêu cầu đề ra. Việc quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường còn yếu kém, việc kiểm tra kiểm soát, thanh tra, xử lý chưa hiệu quả. Ðề nghị các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ.

Ðại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) quan tâm công tác bảo vệ môi trường và cho rằng, công tác này hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó, đáng chú ý là nhiều diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng gây ra nạn lũ lụt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tính mạng của nhân dân và nền kinh tế đất nước. Vì vậy, đề  nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần triển khai nghiêm túc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng ngăn chặn hiện tượng chặt phá rừng, phá hủy nguồn tài nguyên của đất nước.

Ðại biểu Nguyễn Anh Liên (Thanh Hóa) nêu vấn đề, nhiều gia đình có công với nước chưa được hưởng thụ những chính sách ưu đãi, trong đó, còn hàng vạn cựu TNXP chưa được hưởng chính sách, nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, đời sống rất khó khăn... Còn nhiều TNXP đã mất trong chiến tranh nhưng chưa được tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt. Ðề nghị Chính phủ bố trí nguồn kinh phí để bảo đảm trong hai năm có thể giải quyết tất cả các chính sách tồn đọng đối với các cựu TNXP. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng triển khai việc giải quyết chính sách cho các cựu TNXP.

Ðại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị cần có cơ chế trong việc dành đất cho việc xây dựng các bệnh viện để bảo đảm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc phối hợp giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội cần được quan tâm thực hiện tốt hơn để việc thanh toán viện phí cho nhân dân được thuận lợi. Công tác dân số cần được các địa phương quan tâm hơn nữa để tránh hiện tượng sinh con thứ ba ở một số vùng nông thôn đang có dấu hiệu tăng. Việc cắt giảm chi tiêu ngân sách không nên chỉ tập trung vào giảm chi tiêu cho y tế, làm ảnh hưởng chất lượng công tác chăm sóc, sức khỏe cho nhân dân.

Phát biểu ý kiến kết thúc hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên nêu rõ, trong hai ngày qua, đã có 79 đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường, bảy bộ trưởng và trưởng ngành phát biểu ý kiến  giải trình những vấn đề được đại biểu QH quan tâm.  Hoạt động của QH nói chung và các ý kiến thảo luận của các đại biểu QH nói riêng thật sự  dân chủ, trách nhiệm, tâm huyết và sôi nổi. Dư luận chung của cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao về sự đổi mới trong điều hành hoạt động của QH, kết quả của phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2011, gửi các đại biểu QH cho ý kiến, sau đó hoàn chỉnh để trình QH xem xét, thông qua vào phiên họp cuối của kỳ họp.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên đã tổng hợp những vấn đề được các đại biểu QH nêu lên trong hai ngày thảo luận. Trong đó, vụ việc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án, đã bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra. Cơ quan an ninh Bộ Công an đang thụ lý vụ án này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đang làm theo chức năng của mình. Việc thành lập hay không thành lập Ủy ban lâm thời của QH để điều tra về vụ việc này cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau trong đại biểu QH, phải được xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ QH xin được báo cáo QH vào phiên họp khác tại kỳ họp này.

 

                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục