Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

“Đồng chí Võ Chí Công, chúng tôi luôn gọi là anh Năm vì anh luôn vui vẻ, hòa đồng. Chúng tôi vô cùng đau xót khi anh qua đời. Người lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam cuối cùng đã ra đi” - Ông Tô Bửu Giám, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Cục miền Nam nghẹn ngào.

 

 

Ông Giám là một trong số hơn 30 thành viên Câu lạc bộ Văn phòng Trung ương Cục miền Nam đã đến Hội trường Thống Nhất viếng đồng chí Võ Chí Công trong buổi sáng 11-9. Họ nguyên là những cán bộ đã từng làm việc với đồng chí Võ Chí Công từ tháng 10-1961, khi Văn phòng Trung ương Cục miền Nam mới hình thành.

Dù đã 85 tuổi, nhưng ông Giám vẫn nhớ y nguyên lần đầu gặp "anh Năm" tại căn cứ Mã Đà (Đông Nam bộ). Vùng đất này bấy giờ còn nguyên sơ, nổi tiếng với câu truyền tụng "Mã Đà sơn cước anh hùng tận", nhưng anh em cán bộ Trung ương Cục thường gọi là "Mã Đà sơn cước anh hùng tụ", bởi có nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng hoạt động ở đây, như Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh, các đồng chí Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt… Trong ký ức mọi người, "anh Năm Công" luôn vui vẻ, hòa đồng, dù lúc ấy vô cùng gian khổ, không được ăn cơm, chỉ ăn cháo măng. "Anh chị em luôn nhớ đến Anh là người lãnh đạo chí tình, hài hòa, luôn thương yêu và giúp đỡ cán bộ của mình", những người đồng đội từng vào sinh ra tử với đồng chí Võ Chí Công nghẹn ngào.

Dù đã qua tuổi 90, chân đi không vững, mắt nhìn không còn tinh, nhưng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè vẫn cùng các mẹ thay mặt cho Ban Liên lạc Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam Việt Nam đến thắp hương kính viếng "bác Năm". Mẹ nghẹn ngào nói: "Bác Năm Công là nhà lãnh đạo luôn hết lòng với dân, với nước. Từ Nam chí Bắc, nhắc tới đồng chí Võ Chí Công ai cũng cảm mến về một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Biết tin đồng chí qua đời, chúng tôi buồn lắm!".
 
 
Là đồng hương, lại được tiếp xúc với đồng chí Võ Chí Công từ hồi còn nhỏ nên trong ký ức của Thiếu tướng Hoàng Kim, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công là một người chí tình, chí nghĩa. Thiếu tướng Hoàng Kim xúc động kể: "Anh trai tôi là Hoàng Mai, lúc ấy cũng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam cùng với đồng chí Võ Chí Công. Nhóm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam mang bí danh lần lượt là Xuân - Hạ - Thu - Đông (Xuân là đồng chí Võ Chí Công, Hạ là đồng chí Hoàng Mai, Thu là đồng chí Mã Sắc Kim, còn Đông là đồng chí Trương Kiểu). Chính đồng chí Võ Chí Công đã giới thiệu tôi ra Đà Nẵng học và tham gia cách mạng ở Đà Nẵng từ năm 1942. Đồng chí Võ Chí Công sau này về thăm quê hương, biết gia đình tôi chưa được công nhận gia đình chính sách đã viết giấy chứng nhận đây là nơi đồng chí đã từng lui tới trong thời kỳ hoạt động bí mật, là nơi nuôi dưỡng phong trào cách mạng…". Khi ông Kim vào sống ở TP Hồ Chí Minh thì "bác Năm" cũng đã về nghỉ ở TP. Mỗi lần đến họp đồng hương, "bác Năm" đều thăm hỏi sức khỏe, đời sống bà con và đóng góp để ủng hộ cho quê hương. Sau này, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, không đến dự họp đồng hương được nữa, nhưng mỗi khi tết đến, Hội đồng hương tới nhà chúc thọ, "bác Năm" vẫn ân cần tiếp bà con, thăm hỏi, chúc mọi người làm ăn đạt kết quả tốt, không quên dặn dò làm tròn nghĩa vụ người công dân tại TP Hồ Chí Minh và quan tâm tới bà con ở quê nhà, giúp đỡ những người đồng hương khó khăn.

Cụ Lê Thị Lộc, 84 tuổi, hiện sống tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) lại đặc biệt ấn tượng bởi cuộc sống giản dị nhưng luôn hết lòng với mọi người của "anh Công". Cụ rưng rưng nói: "Tôi là đồng hương với gia đình anh Võ Chí Công. Cách đây mấy tháng, khi đến ăn giỗ vợ anh Công (bà Phan Thị Nể), anh ấy nói: Ăn thừa nhiều thế này thì lãng phí quá. Tôi hiểu rằng ý anh ấy muốn nói là mọi người phải tiết kiệm, không được lãng phí. Tôi thực sự quý trọng anh Công, một người luôn gương mẫu trong mọi lúc mọi nơi, luôn hết lòng với dân với nước chứ không nghĩ tới bản thân mình". Điều mà cụ Lộc nhớ nhất ở đồng chí Võ Chí Công là "dù quyền cao chức trọng nhưng luôn gần gũi với bà con dân nghèo".

Trao đổi với phóng viên báo chí tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cũng là một người con của đất Quảng Nam, cho biết: "Gần hai ngày qua, cả nước đã có hàng trăm đoàn với hàng vạn người đến viếng đồng chí Võ Chí Công. Điều đó thể hiện sự tôn kính của nhân dân với nhà lãnh đạo kiên định và trung thành với đất nước, một con người đổi mới Võ Chí Công. Công tác tổ chức lễ tang được bảo đảm chu toàn, đặc biệt tạo mọi điều kiện để nhân dân cũng như các cơ quan, đoàn thể tại Hà Nội, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh đến viếng. Tôi thực sự xúc động khi thấy rất nhiều đồng chí lão thành cách mạng, bạn bè quốc tế, lực lượng vũ trang và đông đủ các tầng lớp nhân dân đến kính viếng đồng chí Võ Chí Công. Thông qua cơ quan thông tin đại chúng, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả".

Đến viếng đồng chí Võ Chí Công, ngoài những đồng bào, đồng chí, còn có nhiều tổ chức quốc tế, các đoàn đại biểu nước ngoài. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Xu Mingliang, nói: "Đồng chí Võ Chí Công là nhà cách mạng lão thành của nhân dân Việt Nam đã có nhiều quan hệ mật thiết với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước của nhân dân Trung Quốc. Tôi cho rằng, đồng chí Võ Chí Công có nhiều đóng góp cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam. Mối tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam do các nhà lãnh đạo lão thành như Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp là tài sản quý giá, cho nên là lớp người đi sau, chúng tôi sẽ cố gắng kế thừa và thắt chặt mối tình hữu nghị đó, tuân theo tinh thần "16 chữ" vàng và tinh thần "4 tốt", đóng góp cho quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Trung Quốc và Việt Nam".

Trong dòng người đến viếng đồng chí Võ Chí Công tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), ông Đoàn Văn Thi, thông gia với đồng chí Võ Chí Công, đã xúc động làm bài thơ mang tựa đề "Thương tiếc bác Năm":
"Trăm năm phút chốc bác Năm ơi!
Nhớ bác con thuyền giữa biển khơi.
Đức lớn uy danh, trời Nam Bắc,
Tài cao trải rộng khắp muôn nơi.
Yêu dân trừ bạo dù gian khó
Quý Đảng kiên trung, núi chẳng dời
Tổ quốc ghi công, ngời sáng mãi.
Trăm năm phút chốc bác Năm ơi".

Thật dễ hiểu và đồng cảm với nỗi niềm xúc động vô bờ và những giọt nước mắt nghẹn ngào của dòng người trước linh cữu đồng chí Võ Chí Công. Một con người ưu tú ra đi về cõi vĩnh hằng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong hàng triệu trái tim như thế đó!

 
                                       Theo HaNoiMoi

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm việc với Ban chỉ đạo Tây Bắc về thực hiện Nghị quyết 37- NQ/TW của Bộ Chính trị.

Kim Bôi phát triển đảng viên ở nông thôn

(HBĐT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng công tác phát triển Đảng, Huyện ủy Kim Bôi luôn coi trọng công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng nói chung và phát triển đảng viên ở nông thôn nói riêng. BTV Huyện ủy cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Xóa thôn, bản, trường học không có chi bộ” giai đoạn 2006 - 2010 để chỉ đạo cơ sở tích cực, chủ động hơn trong tạo nguồn và kết nạp đảng viên.

Tình cảm Bác Hồ với thiếu nhi qua những bức thư Trung thu

(HBĐT) - Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong những tháng ngày đầy gian khổ, khó khăn và bộn bề công việc, Bác vẫn luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng những tình cảm hết sức quý giá.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Lào Thoongxỉnh Thămmavông

Sáng 9/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến thủ đô Viêng Chăn, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào và đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc kiểm tra thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW tại huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Ngày 9/9, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Bắc do đồng chí Hoàng Trí Thức, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc dẫn đầu đã kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW tại huyện Kim Bôi. Cùng đi với đoàn có đại diện các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo NQ37 của tỉnh và lãnh đạo, chuyên Viên văn phòng Tỉnh uỷ.

720 tân binh nhập ngũ đợt II năm 2011

(HBĐT) - Ngày 9/9, các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình đã đồng loạt tổ chức lễ giao quân đợt II năm 2011.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt các cháu thiếu nhi huyện đảo Trường Sa, miền biển Đà Nẵng

Ngày 8/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn đại biểu gồm 89 thiếu nhi huyện đảo Trường Sa, miền biển Đà Nẵng, con em các chiến sĩ hải quân, biên phòng, cảnh sát biển đang canh giữ các vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục