Tàu

Tàu "không số" trên đường vào Nam. Ảnh: TL

(HBĐT) - Đã 50 năm rồi, kể từ ngày Bác Hồ, Quân ủy Trung ương có quyết định thành lập đoàn tàu không số để chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10/1961, đoàn vận tải thủy 759 ra đời.

 

Lực lượng ban đầu cho những chuyến tàu không số là cán bộ, chiến sĩ Nam Bộ tập kết vì là nhiều người có kinh nghiệm đi biển quen với sóng to, gió lớn trên biển cả mênh mông. Sau do yêu cầu nhiệm vụ, nguồn bổ sung được lấy từ các tỉnh miền Bắc. Anh em được huấn luyện cơ bản, được đào tạo trung cấp hàng hải, kỹ thuật trên biển, kiến thức thiên văn, luật hàng hải quốc tế... để ra khơi. Linh hoạt ứng phó với các tình huống xảy đến, nhất là khi giáp mặt với quân thù.

 

Toàn bộ quá trình tuyển lựa, đào tạo làm nhiệm vụ đều tuyệt đối bí mật. Một CCB của đoàn tàu không số nhớ lại: “Dạo đó, chúng tôi chẳng nghĩ gì đến sợ chết đâu, xác định ra đi hoặc thành công hoặc hy sinh...”. Chính bởi xác định sẵn sàng đánh đổi mạng sống vì độc lập, tự do của tổ quốc, “vì miền Nam ruột thịt” nên trước mỗi chuyến đi đều có lễ truy điệu của những người ra khơi. Thế rồi đợi thời tiết, đợi sóng to, gió lớn, tàu rời bến nhằm hướng Nam, kéo buồm, lợi dụng thời tiết xấu, mưa gió, bão bùng để che mắt địch.

 

Một trong những yêu cầu cao nhất đặt ra là vừa gan lì bám biển, vừa kiên cường đấu trí với địch để bảo vệ vũ khí, hàng hóa, thuốc men và tính mạng. Khi buộc phải chiến đấu thì kiên quyết không để rơi vào tay giặc. Bởi thế, những con tàu vừa mang theo tiền Việt Nam cộng hòa, tiền đô để có thể sử dụng  mua chuộc khi tàu của bọn lính ngụy áp sát kiểm tra giấy tờ, vừa mang sẵn thuốc nổ nếu địch phát hiện, sẵn sàng điểm hỏa cho nổ tàu sau khi đã chiến đấu quyết liệt đến phút cuối.

 

Bến xuất phát của những con tàu không số là Đồ Sơn - Hải Phòng. Từ Đồ Sơn - Hải Phòng, những con tàu không số rời bến thường vào đêm tối mịt mùng, không trăng sao. Những chiến sĩ là những ngư dân cảm tử lặng lẽ ra đi với những cái bắt tay thật chặt của những người ra tiễn trong màn đêm mênh mông, bao la của biển trời và tiếng sóng vỗ bờ.

 

Đoàn 759 đã mở con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam. Chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ Đồ Sơn dập dềnh sóng nước đến 6 giờ sáng ngày 19/10/1962 chở 30 tấn vũ khí đã vào đến Vàm Lũng an toàn, sau đó được đưa về rạch Chùm Gọng để lên hàng. Để che mắt địch, đơn vị đã đóng những con tàu 2 đáy, không số, máy tàu bỏ hết nhãn mác, cài thuốc nổ ở đầu, giữa và đuôi tàu.

 

Có những chuyến tàu xuất phát từ Đồ Sơn vượt trùng dương vào đến bến tàu đã phải trải qua 9 cơn bão trên đường đi. Đến nơi, anh em mệt lử phải nghỉ đến mấy ngày cho lại sức. Con đường trên biển trở thành con đường huyền thoại của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ. Con đường ấy từ ngày đoàn 759 được thành lập 23/10/1961 với mục đích chi viện cho chiến trường miền Nam tới khi đất nước giải phóng. Trải qua một thời gian gần 15 năm, đội ngũ con tàu không số đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh nhưng với tinh thần mưu trí, anh dũng, các cán bộ, chiến sĩ đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền vận chuyển được gần 163.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh từ miền Bắc vào miền Nam, đưa đón hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội từ Nam ra Bắc và ngược lại. Tuy nhiên, con đường huyền thoại trên biển rất sáng tạo anh hùng, song cũng có 7 con tàu bị địch phát hiện phải phá huỷ cùng với nhiều chiến sĩ hy sinh, các anh đã nằm sâu dưới biển cả. Tuy nhiên, với một tuyến đường như vậy, điều đó vẫn là một thắng lợi to lớn đầy sức sáng tạo, lòng quả cảm của quân và dân ta. Những chuyến tàu vượt biển thắng lợi gắn liền với sự che chở, đồng thuận của nhân dân ta bởi lẽ dù đêm hôm, mưa rét, bão gió, dân quân trên bờ nơi tàu cập bến, chuyển vũ khí là đoàn người vượt qua đêm tối, mưa rét chuyển hàng mau lẹ về nơi tập kết để kịp thời phân phối ra chiến trường, góp phần thắng lợi cho cách mạng miền Nam. Bác Hồ, Quân uỷ Trung ương theo dõi sát sao những chuyến tàu, lịch trình đi và diễn biến trên biển cả. Sự quan tâm của Bác, sự lo lắng đầy trách nhiệm của Quân ủy Trung ương là nhân tố cho sự vượt biển thắng lợi của những chuyến tàu.

 

Con đường trên biển của một đội quân giàu lòng yêu nước, trí thông minh, năng động, sáng tạo đã bất chấp vũ khí, kỹ thuật hiện đại, ra đa mắt thần và ống nhòm tia hồng ngoại của địch. Những con tàu không số trên đường biển của một đất nước chữ S có bờ biển dài hàng nghìn km dưới dạng là những con thuyền ra khơi đánh cá mà những chiến sĩ là những ngư dân không quân hàm, quân hiệu thấm đẫm mồ hôi trên những bộ quần áo bà ba mặn mòi nước biển.

Kỷ niệm 50 năm đoàn tàu không số mở đường trên biển, con đường huyền thoại xanh, đường Hồ Chí Minh, nhìn lại những chiến sĩ tham gia chỉ còn lại hơn 1.000 đồng chí, Chủ tịch Hội Trần Văn Hiếu cho biết: “Lớn tuổi có những bác đã ở tuổi 80 - 82, trẻ nhất cũng hơn 60 tuổi rồi”. Những chiến sĩ trên con tàu không số năm xưa vẫn luôn nhớ về bến K15 Đồ Sơn, điểm xuất phát chủ yếu của đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong mắt của những người lính già, những con sóng vẫn ùa về không ngừng và gió biển mặn mòi đang thổi về phía họ đón những nụ cười rám nắng của một thời trai trẻ nhiệt huyết trên sóng nước của con đường biển huyền thoại.

          

                                                         Văn song (T.T.V)

 

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục