Thủ tướng Campuchia Hunsen (trái) bắt tay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần 6 -Ảnh: AFP

Thủ tướng Campuchia Hunsen (trái) bắt tay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần 6 -Ảnh: AFP

Vấn đề biển Đông đang nóng lên trong các nghị sự khu vực, từ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần 6 (ADMM) ở Campuchia đến Đối thoại an ninh châu Á Shangri La 11 ở Singapore.

 

Chiều 29-5, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM) đưa ra tuyên bố chung tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cùng làm việc để tiến tới thông qua Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đánh giá tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế.

“Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á và tranh chấp là giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN” - đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định các nước ASEAN phải quyết tâm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, để xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh vào năm 2015. Đại tướng cho rằng các bên phải bình tĩnh, hết sức kiềm chế, tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Trước mắt, các bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tiến tới xây dựng COC.

“Trong quá trình đàm phán hòa bình, quan điểm của Việt Nam là những tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết. Còn những tranh chấp đa phương, giữa nhiều nước, nhiều bên, phải giải quyết đa phương, nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được” - đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Trung Quốc ve vãn từng thành viên ASEAN

Giới quan sát khu vực và phương Tây cho rằng Bắc Kinh như đang chuyển hướng sang những chuyến thăm cấp cao vào thời điểm trước khi diễn ra các hội nghị có liên quan đến ASEAN và biển Đông.

Ngay trước thềm ADMM diễn ra ngày 29-5 ở Phnom Penh, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đến Phnom Penh mà theo lời mời của Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh, để “giải thích quan điểm của Bắc Kinh trong tranh chấp ở biển Đông”. Theo Phnom Penh Post, ông Lương Quang Liệt đã hứa sẽ hỗ trợ Phnom Penh gần 20 triệu USD để phục vụ quốc phòng.

Chưa đầy hai tháng trước, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Campuchia, hứa sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên 5 tỉ USD đến năm 2017 và loan báo các khoản viện trợ mới dành cho nước này.

Tương tự, báo Straits Times ghi nhận vài ngày trước khi diễn ra Shangri-La 11 từ ngày 1 đến 3-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ thăm Singapore nhằm “thắt chặt quan hệ giữa hai nước”.

Thủy thủ tàu Quỳnh Tam Á của Trung Quốc dùng móc sắt gây hấn với tàu thăm dò USNS Impeccable (T-AGOS-23) của Mỹ ngay trên biển Đông ngày 8-3-2009 - Ảnh: Reuters

Con voi trên bàn nghị sự

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), biển Đông sẽ là một trong những chủ đề nóng nhất lần này được bàn luận ở hội nghị Shangri-La 11. Trung Quốc, như báo Straits Times mô tả, không rầm rộ đưa “đoàn quân quốc phòng cấp cao” của họ đến dự đối thoại Shangri-La mà chỉ là những quan chức cấp trung.

Trong khi đó, Mỹ đến dự với một phái đoàn hùng hậu gồm Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta và chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương - đô đốc Samuel Locklear, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Martin Dempsey, thượng nghị sĩ John McCain... IISS nhận định điều này cho thấy Washington muốn thể hiện cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ quốc phòng cho các nước đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước những căng thẳng trên biển Đông.

“Vấn đề biển Đông tại Shangri-La đang trở thành một con voi trên bàn nghị sự” - chuyên gia về Trung Quốc thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) Thành Vũ nhận định. Giám đốc IISS ở châu Á Tim Huxley cho rằng tranh chấp biển Đông sẽ là vấn đề căng thẳng tại cuộc đối thoại Shangri-La lần này. Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn trong tuyên bố chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp với các nước trong khu vực.

“Đang có những quan ngại đại biểu các nước Đông Nam Á sẽ cùng trút giận lên các quan chức của Trung Quốc tại cuộc đối thoại này” - ông Huxley dự báo.

Sau Shangri-La 11, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta sẽ đến Việt Nam và Ấn Độ. “Tôi chắc chắn Trung Quốc sẽ theo dõi chuyến đi của ông Panetta, bởi họ cho rằng chuyến thăm tới Ấn Độ và Việt Nam này nhằm thắt chặt mối quan hệ của Mỹ với các đối tác trong khu vực. Mỹ có những lợi ích cụ thể trong việc củng cố quan hệ với các nước khu vực” - chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của IISS Bonnie Glaser nhận định.

Ngoại giao không kết quả

Trong một bài viết trên trang mạng báo Liên Hiệp Buổi Sáng mới đây, học giả Trịnh Vĩnh Niên - viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore - đặt vấn đề: những năm gần đây Trung Quốc đã thông qua nhân tố kinh tế để lôi kéo các nước ASEAN không quá ngả sang phía Mỹ. Thế nhưng nỗ lực này không hề mang lại kết quả tích cực. Trung Quốc càng lôi kéo thì các nước này càng ngả sang phía Mỹ. Vì sao? Theo tác giả này, có hai nhân tố hết sức quan trọng.

Một là, trách nhiệm đối với khu vực của Trung Quốc. Trung Quốc đã không xử lý tốt vấn đề biển Đông khi cứ cho rằng vấn đề này hoàn toàn không phải do Trung Quốc, mà do các nước có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc trên biển Đông gây ra và Trung Quốc chỉ phản ứng thụ động.

Thế nhưng là một nước lớn trong khu vực, Trung Quốc khi xử lý vấn đề này đã không đặt nó trong lợi ích tổng thể của khu vực. Chính vì thế phản ứng của Trung Quốc không chỉ tạo ra cho những nước có liên quan trực tiếp trên biển Đông có nhiều lý do để lo ngại và ngả sang phía Mỹ, mà còn để mất sự đồng tình và ủng hộ của các nước không có liên quan đến vấn đề này.

Hai là, Trung Quốc đã coi thường sự thật là “sự trỗi dậy hòa bình” như Trung Quốc tự mô tả lại gây nên mối đe dọa cho các nước trong khu vực. Trung Quốc cần thay đổi cách làm theo chủ nghĩa song phương truyền thống chuyển sang mô hình song phương mới hiện đại, nghĩa là thảo luận vấn đề song phương trong khuôn khổ đa phương (Trung Quốc và ASEAN). Có như vậy, Trung Quốc mới giảm bớt được cảm giác lo ngại của các nước.

 

                                                   Theo BaoLaoDong

 

Các tin khác


Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục