Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Lễ phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước. Ảnh: TTXVN

Ngày 1/7, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Nam Chính, huyện Nam Sách, Hải Dương, nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đồng bào về công tác vệ sinh phòng bệnh 47 năm trước, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.”

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành, địa phương, đông đảo tầng lớp nhân dân đã tham dự.

Ngay từ năm 1945, khi bắt đầu thành lập nước, công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác Hồ đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước”; nêu quan điểm “phòng bệnh hơn trị bệnh” thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, ngày 2/7/1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân Dân, nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh.
 
Trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, ngành y tế đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, vận dụng sáng tạo, khoa học phù hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng bệnh; cụ thể hóa bằng các hành động thiết thực. Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, cùng với các hoạt động tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: Phong trào “sạch làng, tốt ruộng”; “sạch bản, tốt nương”; “sạch phố, tốt đồng”; phong trào “ba sạch,” “bốn diệt”; xây dựng ba công trình vệ sinh; mạng lưới vệ sinh phòng dịch tại các tỉnh được thành lập; phong tục tập quán mất vệ sinh dần được khắc phục, các bệnh nguy hiểm dần được thanh toán.
 
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác y tế dự phòng nói chung và lĩnh vực vệ sinh nói riêng. Chính phủ đã ban hành Chiến lược Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng, Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020. Các tiêu chí về vệ sinh cũng được đưa vào nội dung chỉ đạo của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; chương trình Làng văn hóa sức khỏe và gần đây nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam hiện nay, môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện thường xuyên. Một số dịch bệnh đang có xu hướng quay trở lại.
 
Xác định việc phát động và triển khai phong trào một cách sâu rộng trong quần chúng thời điểm hiện nay, nhằm giải quyết những vấn đề vệ sinh là hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy những khó khăn thách thức và tồn tại, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 730 về việc lấy ngày 2/7 hàng năm là ngày "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân", giao cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị liên quan để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
 
Thay mặt Đảng và Nhà nước chính thức phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu và tổ chức thực hiện tích cực, có hiệu quả của ngành y tế, những cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng bằng nhiều phong trào. Nhiều chiến lược chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện. Những phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 
Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những việc làm được, cùng với những hạn chế, thói quen cũ chưa được khắc phục, ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường.
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, lễ phát động “Phong trào vệ sinh yêu nước” ngày hôm nay là hết sức có ý nghĩa. Đây là việc làm thiết thực thực hiện lời dạy của Bác Hồ về phong trào “Vệ sinh yêu nước,” đồng thời với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội.
 
Chủ tịch nước kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng đồng bào cả nước ra sức thi đua, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, năng động, sáng tạo; làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của từng cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị, từng gia đình và mỗi người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc Việt Nam.
 
Chủ tịch nước tin tưởng phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” và lấy ngày 2/7 hàng năm là ngày toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào sẽ tạo ra một nét đẹp văn hóa trong đời sống của nhân dân, xã hội. Chủ tịch nước cảm ơn các nước, các tổ chức, bạn bè quốc tế đã tích cực giúp Việt Nam trong các hoạt động vệ sinh môi trường và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả trong thời gian tới.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan giếng nước tại gia đình bà Vương Thị Trịnh- giếng nước được Bác Hồ đến thăm ngày 15.2.1965; thăm và tặng quà cho cán bộ, nhân viên trạm y tế xã Nam Chính./.

 

                                                             Theo Báo ĐCSVN

 

Các tin khác


Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã qua 70 năm nhưng bài học quý giá về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần (CT, TT) vẫn nguyên giá trị. Đây cũng là nhân tố được vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh về nội dung này.

Quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW (ngày 23/4/2024) quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Chiến thắng Hòa Bình góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

                             NGUYỄN PHI LONG

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa Bình là hậu cứ của chiến trường Chiến khu II, Liên khu III, là hành lang giao thông chiến lược giữa Liên khu III, Liên khu IV với Việt Bắc, Tây Bắc.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đà Bắc

Sáng 4/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Đà Bắc. Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục