Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội trường.

(HBĐT) - Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi thảo luận. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã phát biểu tập trung vào ba vấn đề:

 

Thứ nhất, về tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có thể thấy dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã quy định cụ thể hơn đối với danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp đặc biệt đã có quy định cụ thể hơn về sáng kiến và thẩm quyền công nhận sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế cũng như phản ánh của các cử tri cho thấy một trong những nội dung của luật mà nhiều người cho rằng chưa phù hợp với thực tế thậm chí là trở ngại trong công tác khen thưởng đó là quy định cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở phải có sáng kiến.

 

Thực tế, đối với khối lao động trực tiếp thì đã khó, nhưng đối với khối quản lý và các cán bộ công chức thì việc tìm ra sáng kiến hàng năm đôi khi còn khó khăn hơn. Vì vậy, tôi kiến nghị với Ban soạn thảo nên cân nhắc điều kiện phải có sáng kiến khi xem xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và phải liên tục có sáng kiến trong 3 năm liên tiếp mới được xem xét danh hiệu thi đua cấp cơ sở và cấp bộ, ngành, tỉnh, vì nó không thực sự phù hợp với thực tế và dễ dẫn tới hiện tượng khen thưởng mang tính hình thức và không thực chất.

 

Tuy nhiên, cũng từ thực tế thấy có một hiện tượng ngược lại là có những cá nhân có những sáng kiến kinh nghiệm mà phạm vi ảnh hưởng của nó khá rộng có thể trên phạm vi toàn tỉnh, toàn vùng hay toàn quốc. Nếu chỉ xem xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và căn cứ theo quy định của luật là 3 năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở mới xét tới các cấp cao hơn có thể không đảm bảo được nguyên tắc là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Vì vậy, tôi mong muốn Ban soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung thêm quy định xem xét các danh hiệu thi đua cấp toàn quốc và cấp bộ, ngành quy định tại các Điều 21,22 cụ thể như để đạt được các danh hiệu thi đua cấp toàn quốc và cấp tỉnh, bộ, ngành thì thành tích sáng kiến giải pháp công tác phải có ảnh hưởng tương ứng với cấp danh hiệu được tặng mà không cần 3 năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở như quy định hiện hành. Nếu sáng kiến giải pháp công tác mà cá nhân đó đề xuất cho mức độ ảnh hưởng trên toàn quốc thì sẽ được xem xét danh hiệu thi đua toàn quốc có mức độ ảnh hưởng trong toàn tỉnh, bộ, ngành thì được xem xét danh hiệu thi đua cấp bộ, tỉnh, ngành

 

Thứ hai, về danh hiệu vinh dự Nhà nước Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được quy định tại Điều 62 của dự thảo luật. Với mong muốn để luật thực sự hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn tôi xin có một vài trao đổi về đối tượng xét tặng các danh hiệu cụ thể tại Khoản 1, Điều 62 nêu đối tượng được xét danh hiệu nhà giáo nhân dân, Nhà giáo Ưu tú là những nhà giáo trong các nhà trường và các cơ sở giáo dục khác. Tôi hết sức băn khoăn về quy định là những nhà giáo trong nhà trường. Từ "trong" ở đây có nghĩa cụ thể là như thế nào? Có phải những nhà giáo này đang làm việc trong nhà trường đó dưới các hình thức như hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, không thời hạn, biên chế thỉnh giảng hay là đã làm viêc nay đã nghỉ hưu hay đã chuyển đi công tác khác. Nếu không được quy định cụ thể chi tiết thì sẽ dễ gây hiểu lầm trong khi vận dụng tạo kẽ hở pháp luật ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật. Nếu so sánh với Điều 63 về đối tượng xét danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú thì thấy các đối tượng được xét tặng danh hiệu được quy định theo hướng mở hơn nhiều. Đó là các đối tượng được xét các danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú gồm các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, lương y, lương dược và cán bộ quản lý y tế mà không hề quy định trong các cơ sở y tế hay trong các cơ quan đơn vị nào, vì vậy, theo tôi đối tượng được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cũng nên mở hơn như quy định xét tặng các danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú.

 

Thứ ba, về những trường hợp được đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản được quy định tại Điều 85 trong đó tại Điểm C, Khoản 1 có nêu trường hợp có thành tích công trạng rõ ràng sẽ được khen thưởng theo thủ tục đơn giản. Tôi thấy cần có quy định thêm thế nào là thành tích rõ ràng, thế nào là công trạng rõ ràng và Ban soạn thảo cũng cần phải giải trình thêm các thành tích rõ ràng được xem xét theo thủ tục đơn giản khác với thủ tục chưa rõ ràng được xem xét theo thủ tục bình thường ở chỗ nào. Tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một kiểu và sẽ làm theo các cách khác nhau có khả năng gây ảnh hưởng không tích cực tới công tác thi đua, khen thưởng. Theo tôi nên bỏ điểm này vì các thành tích xuất sắc, đột xuất cũng đã được quy định khen thưởng tại Điểm b, Khoản 1, Điều 85.

 

Cũng tại Điều 85, Khoản 2 quy định việc khen thưởng theo thủ tục đơn giản sẽ giao cho Chính phủ quy định, tôi rất băn khoăn vấn đề này. Theo tôi Ban soạn thảo nên cân nhắc vấn đề này liệu có thể quy định luôn được không vì Luật thi đua, khen thưởng cũng đã có hiệu lực thi hành trong 8 năm qua và tôi nghĩ rằng điều kiện thực tế đưa ra quy trình khen thưởng rút gọn cũng có thể đưa ra được tại đây, vì vậy nếu có thể được thì Ban soạn thảo có thể trình thêm lần này trước Quốc hội quy trình này.

 

                          

 

                                                Bích Ngọc

                       (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

 

 

 

Các tin khác


Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Đức Hinh thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên tại huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác đã thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục