Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu thảo luận tại hội trường.

(HBĐT) - Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ bản các ý kiến đều cho rằng, dự thảo trình kỳ họp lần thứ 6 đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Góp ý hoàn thiện Dự thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã phát biểu:

 

Thứ nhất, về vai trò trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và người dân với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tôi rất đồng tình với nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong đó có quy định quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo tính dân chủ và công khai thể hiện tại Khoản 6, Điều 35 với nguyên tắc này sẽ khắc phục được hầu hết ý kiến của người dân phản ảnh là họ không được biết thông tin gì ngay từ khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên đất của họ đang sử dụng, người dân luôn đứng ngoài cuộc và nguyện vọng của họ là được tham gia vào quá trình lập quyết định về quy hoạch, tham gia vào quản lý và giám sát việc thực hiện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.

 

Tuy nhiên, theo tôi nguyên tắc này lại chưa được thể hiện đầy đủ và rõ ràng ở các điều luật tiếp theo, đặc biệt là chưa trở thành các điều kiện cần thiết để xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, các ngành. Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 43 dự thảo luật quy định việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh bằng các hình thức công khai thông tin về nội dung của kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bằng các hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và qua trang tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 

Tại Khoản 3 điều này cũng quy định cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến, có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và hoàn thiện phương án quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Với quy định như trên rõ ràng vai trò tham gia của người dân, người chịu tác động của quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn quá mờ nhạt, ý kiến của người dân tham gia ít khi được quan tâm xem xét một cách thấu đáo. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay không phải người dân nào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận và tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đăng tải trên mạng thông tin điện tử. Việc tổng hợp tiếp thu ý kiến của người dân như thế nào cũng chưa được pháp luật quy định rõ ràng. Từ lý do trên tôi đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định việc tổ chức hội nghị xin ý kiến của người dân và tỷ lệ người dân đồng tình với kế hoạch sử dụng đất là điều kiện bắt buộc trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

 

Thứ hai, về Hội đồng nhân dân, chủ thể của quyền lực nhà nước ở địa phương. Hội đồng nhân dân quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền do luật định. Tuy nhiên, vai trò tham gia của Hội đồng nhân dân trong hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước cấp trên còn chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Hầu hết các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đất quốc phòng, an ninh đều thiếu sự tham gia của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Điều này dẫn đến hầu hết các cơ quan ở địa phương bất ngờ và lúng túng khi nhận được thông báo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đất quốc phòng, an ninh trên địa phương mình. Trong khi đó tác động của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất quốc gia, đất quốc phòng và an ninh thuộc trách nhiệm xử lý và giải trình của các cơ quan Nhà nước của địa phương, trong đó có Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

Để hoàn thiện nội dung này tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại Khoản 4, Điều 43 đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bổ sung Khoản 2, Điều 45 thẩm quyền quyết định phê duyệt kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và các Bộ trưởng khác có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, đất dự án quốc gia cần có ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

 

Về vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tôi đề nghị bổ sung vai trò tham vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các Điều 43, Điều 45 dự thảo luật. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt hơn trách nhiệm được quy định tại các điều 69, 70. Tại các điều này quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc thu hồi đất, cưỡng chế và thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Đây là những quy định giao trách nhiệm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, vai trò khi tham gia vào quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thấy xuất hiện quy định trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cho nên có những việc phức tạp.

 

Thứ ba, về thu hồi, bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tôi đồng tình với quy định việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với người đang sử dụng cho người khác thuê phải được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng tại Điều 54 dự thảo luật quy định như vậy đã bảo vệ được quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất, đồng thời gắn được trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể khác khi thu hồi đất.

 

Là địa phương vinh dự có công trình thủy điện Hòa Bình lớn nhất khu vực một thời đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng đời sống của đồng bào bị ảnh hưởng do chính sách tác động về tái định cư bất cập. Cho đến nay sau hơn 30 năm tỷ lệ hộ nghèo vẫn từ 45-60%, thu nhập dưới 5 triệu đồng 1 năm, hàng ngàn hộ dân vẫn túng quẫn tìm kế sinh nhai không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh đói nghèo. Khi xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình chúng ta có chính sách tái định cư, bồi thường và hỗ trợ như hiện nay thì đồng bào đã bớt cơ cực nhiều. Vì vậy, tôi rất hoan nghênh quy định này và mong rằng sẽ được Quốc hội ghi nhận để thực hiện cho các công trình dự án tiếp theo của Nhà nước.

 

Thứ tư, hiện nay tình trạng thiếu đất sản xuất ở nông dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra nhiều nơi do không có đất sản xuất nên tình trạng tranh chấp đòi lại đất đã giao cho các nông, lâm trường trước đây diễn ra khá gay gắt. Trong khi đó một số lâm, nông trường đã chuyển đổi thành các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả còn lại phần lớn là gặp khó khăn, khả năng quản lý và sử dụng đất được giao rất hạn chế và đã xuất hiện tình trạng giao khoán lại cho người dân, người dân gọi là “phát canh thu tô”, bản thân người dân phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình mà không đủ ăn, do định mức giao khoán thường cao, chu kỳ sản xuất lâm nghiệp dài từ 5-7 năm. Vị trí này rất cần một cơ chế để giải quyết. Địa phương muốn thu hồi lại đất, doanh nghiệp, nông, lâm trường muốn tái cơ cấu sản xuất  có hiệu quả đều gặp khó khăn do vướng các quy định của pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát và bổ sung các quy định về thu hồi đất, sản xuất của các doanh nghiệp, các nông lâm trường để phân bổ lại và điều hòa đất sản xuất , đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội giữa doanh nghiệp, nông, lâm trường và của người dân./.

 

 

 

                                                Bích Ngọc

                    Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (TH)

 

 

 

 

Các tin khác


Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục