Đoàn 100 con Lạc, cháu Hồng cầm cờ hội lên đền Thượng.

Đoàn 100 con Lạc, cháu Hồng cầm cờ hội lên đền Thượng.

Ngày 28-4 (tức 10-3 Âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 đã trọng thể tổ chức dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước, lập nên Nhà nước Văn Lang-Quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

Lễ dâng hương bắt đầu từ 7 giờ 30 phút trong tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh. Ðoàn dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm, nhạc lễ thành kính và đoàn cờ phướn lộng lẫy khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng.

Ði đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Tiếp đó là các thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống màu đỏ mang hương, hoa, lễ vật và 100 thanh niên, tượng trưng cho trăm người con được sinh từ bọc trăm trứng, trong trang phục cổ, tay giương cao cờ Hội thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng. Tiếp sau đội nhạc hành lễ, đội rước kiệu lễ vật là Ðoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương và nhân dân về dự Giỗ Tổ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu đã vào thượng cung thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng niệm các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông để con cháu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh như ngày nay; cầu mong cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn. Nhân dịp này, các đại biểu đã đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương, thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc bên bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đoàn quân Tiên phong tại ngã năm Đền Giếng.

Trước anh linh các Vua Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh - Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 đã đọc Chúc văn bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức tổ tiên; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Khẳng định lớp lớp các thế hệ con cháu Lạc Hồng sẽ luôn phát huy khí thế Hùng Vương, đoàn kết một lòng, mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã chọn, quyết tâm xây dựng giang sơn đất nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh phồn vinh, góp phần vì hòa bình hữu nghị trên toàn thế giới.

Ngay từ sáng sơm, hàng vạn người dân đã hành hương về đất Tổ.

Thời tiết hôm nay khá mát mẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về dâng hương, trẩy hội. Ngay sau Lễ Dâng hương, hàng vạn du khách trên mọi miền Tổ quốc đã thành kính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ông Bùi Trung Mực ở Hà Nội cho biết: Hơn 10 năm nay, vào ngày chính hội, năm nào gia đình ông cũng về thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng. Thông qua những ngày này ông muốn con cháu luôn ghi nhớ công lao của các bậc liệt tổ, liệt tông đã có công khai sơn phá thạch gây dựng cơ đồ để lập lên nhà nước Việt nam vững mạnh, hùng cương như ngày nay.

Cùng chung cảm xúc với ông Mực, bà Triệu Thị Khánh, dân tộc Tày ở Thái Nguyên cho biết thêm: Năm nào các cô cũng muốn về Đền Hùng, về với quê cha, đất tổ. Không chỉ riêng có mình ở Việt Nam mà người ở nước ngoài cũng muốn về nên năm nào cũng đi. Khi về đây thấy rất tự hào vì mình là người con đất Việt với truyền thống 4.000 năm lịch sử. Khi về với quê cha, đất tổ và được dự buổi lễ như thế này cố thấy rất xúc động và luôn cầu mong cho đất nước bình an.

Sau phần lễ, trong phần hội hôm nay còn diễn ra rất nhiều hoạt động như: Triển lãm ảnh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội trại văn hóa, liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, cờ tướng, bắn nỏ. Đặc biệt, trong phần hội năm nay có sự tham gia của năm tỉnh tham gia góp giỗ gồm: Sơn La, Phú Yên, Bạc Liêu, Đác Nông và Tiền Giang mang đến nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo như, đờn ca tài tử, cải lương, ca múa nhạc dân tộc….

Các thiếu nữ dâng hương hoa, lễ vật tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tỉnh Phú Thọ cũng đã trọng thể tổ chức các lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức phong phú đa dạng sôi động tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và tại thành phố Việt Trì như lễ rước kiệu của các xã vùng ven Đền Hùng; triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước về cung tiến; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày liên tỉnh; liên hoan dân ca và hát Xoan Phú Thọ; hội chợ du lịch Tây Bắc; hội trại văn hóa; bắn pháo hoa; đêm thơ nhạc các vùng kinh đô Việt Nam và các giải bóng chuyền tranh cúp Hùng Vương, giải quần vợt hữu nghị Hùng Vương thu hút đông đảo người tham gia, theo dõi.

Lễ hội năm nay được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng gắn với các hoạt động hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, sâu đậm hai di sản văn hóa thế giới là “Hát Xoan ở Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, góp phần nâng tầm giá trị của văn hóa Việt Nam trong đời sống cộng đồng dân tộc; đồng thời xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm là di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia và thành phố Việt Trì trở thành là thành phố lễ hội về với cội nguồn tiêu biểu của cả nước.

                                                       

                                                                           Theo Báo ND
 

 

 

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục