(HBĐT) - Nhiều chủ trương, chính sách phù hợp được ban hành và triển khai thực hiện; các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thay đổi nếp nghĩ, khơi dậy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của nông dân; bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nông dân cải thiện... Đó là những kết quả nổi bật bước đầu sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) tỉnh.
Hộ SX -KD và nuôi trồng thủy sản Nguyễn Thị Quý trên hồ sông Đà đầu tư nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2014 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chính sách, đề án, quy hoạch, quy định về thực hiện TCCNNN, trong đó có những chủ trương, chính sách được không ít nhà lãnh đạo, quản lý các cấp và ngay cả người nông dân xem là trụ đỡ để tạo sức bật cho ngành nông nghiệp. Điển hình như việc triển khai thực hiện đến tận chi bộ, KDC các nghị quyết, chỉ thị, quy định về: cơ chế hỗ trợ, tiêu thụ nông sản hàng hóa; phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt; việc cải tạo vườn tạp; phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ sông Đà; đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đề án TCCNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) và phát triển bền vững đến năm 2020; các quy định về một số cơ chế hỗ trợ trong ngành nông nghiệp và các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực phục vụ TCC... Theo đó, việc thực hiện TCCNNN được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.
Theo đánh giá của đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN &PTNT: Nhiều năm nay, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được thực hiện, song mới chú trọng vào mở rộng quy mô, tăng năng suất, sản lượng. Đến nay, nhận thức về TCC đã chú trọng đến nâng cao GTGT, hiệu quả kinh tế; phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh đảm bảo tính bền vững trong sản xuất; chú trọng cách thức sản xuất thông qua thành phần kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân; gắn kết chặt chẽ TCC ngành với thực hiện các tiêu chí NTM; tập trung nguồn lực sản xuất sản phẩm chủ lực, lợi thế theo chuỗi giá trị sản xuất.
UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh trên thị trường để nâng cao GTGT và phát triển bền vững phù hợp với thế mạnh mỗi địa phương. Chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế như: cam, bưởi đỏ, mía, nhãn Hương Chi, rau su su, tỏi tía, gà đồi, lợn bản địa, cá vùng hồ...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 17 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc ngành NN &PTNT được quy hoạch và triển khai thực hiện. Nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở lợi thế từng vùng, ngành nông nghiệp đã tham mưu kịp thời việc lập mới, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản phẩm. Đồng thời tham mưu ban hành các đề án về khuyến nông trọng điểm, phát triển trồng bưởi đỏ, cải tạo vườn tạp và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để thực hiện.
Theo đánh giá tại Báo cáo tình hình thực hiện TCCNNN tỉnh, 3 năm qua, thông qua việc xây dựng, triển khai, thực hiện các nghị quyết, quy hoạch, chính sách, đề án, kế hoạch của tỉnh và ngành đã tạo nên sức bật mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Các chỉ tiêu TCC ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, GRDP nông, lâm, thủy sản năm 2013 đạt 4,37%, năm 2015 4,5%. Giá trị thu được 1 ha đất canh tác năm 2013 đạt 90, 3 triệu đồng, năm 2015 đạt 104 triệu đồng. Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi thủy sản tăng từ 80, 8 triệu đồng lên 113, 5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 78% tăng lên 86,8%. Độ che phủ rừng từ 49,3% lên 51,2%.
Điểm nhấn lĩnh vực trồng trọt là toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 16.000 lượt ha đất quy hoạch trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, nhãn, mía, rau, màu ngắn ngày. Hiện, toàn tỉnh có trên 1.200 ha cam kinh doanh cho thu nhập trên 400 triệu đồng /ha/năm; 350 ha bưởi đỏ thu nhập 300 triệu đồng /ha/năm; 7,5 nghìn ha mía tím, mía ép nước thu nhập trên 150 triệu đồng /ha/năm; 700 ha mướp đắng, bí xanh cho thu nhập 120 triệu đồng /vụ.
Cùng với đó, cơ cấu nội ngành chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi lợn và đại gia súc. Hiện, toàn tỉnh có 68 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn xuất chuồng 2, 1 triệu con/năm, sản phẩm thịt hơi 5, 8 nghìn tấn. 1 trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 120.000 con; 4 trại gà giống quy mô 183.000 con, cung cấp 13 triệu trứng giống mỗi năm; 17 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị cung cấp 150.000 lợn giống và 20.000 lợn hậu bị.
Về thủy sản, giá trị tăng thêm và cơ cấu giá trị sản xuất ngành liên tục tăng. Đặc biệt, sản lượng nuôi trồng tăng mạnh, nhất là sản lượng nuôi lồng. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng 470 ha so với năm 2013. Lồng nuôi truyền thống dần được thay thế bằng lồng cải tiến khung sắt, lưới đã phát huy được tiềm năng mặt nước hồ Hòa Bình. Số lồng nuôi cá tăng lên 1, 35 nghìn lồng. Số cơ sở đầu tư nuôi cá lồng trên hồ tăng lên 17 cơ sở. Cơ sở có quy mô nhỏ nhất là 1.200m3 lồng nuôi. Cơ sở có quy mô lớn nhất là 5.400m3. Sản lượng nuôi trồng năm 2015 đạt 4, 8 nghìn tấn, tăng trên 1.000 tấn so với năm 2013.
Ngoài ra, trong 3 năm đã có 317 công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, hơn 200 m kênh mương được kiên cố. Nhờ đó, diện tích cây trồng được tưới tăng hàng nghìn ha so với năm 2013. Các chương trình, dự án thủy lợi gắn với xây dựng NTM từng bước phát huy hiệu quả.
Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện TCC đã “khoác chiếc áo mới” cho ngành nông nghiệp, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn và phát triển nông dân. Minh chứng rõ nét là tỉnh ta đã có 31 xã cán đích NTM, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 20 xã so với năm 2013. Thu nhập bình quân đạt 18, 2 triệu đồng/người/năm, tăng 4, 7 triệu đồng so với năm 2013.
Bình Giang
(HBĐT) - Ngày 15/9, Đoàn công tác của tỉnh do Sở KH&ĐT chủ trì cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn kiểm tra tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Với định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, bên cạnh những đề án phát triển sản xuất đã được xây dựng, triển khai và thực hiện có hiệu quả như đề án “dồn điền - đổi thửa”, “cánh đồng cho thu nhập cao”, “cải tạo vườn tạp”, “trồng cỏ vỗ béo trâu, bò”, “sản xuất rau an toàn”..., huyện Kim Bôi đặc biệt quan tâm phát triển trồng cây có múi đối với vùng quy hoạch của huyện.
(HBĐT) - Từ 7 sáng lập viên, đến nay, HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi) được thành lập với 28 thành viên, diện tích sản xuất 112 ha, tập trung chủ yếu ở 4 xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Đú Sáng.
(HBĐT) - Là xã vùng 135, cách trung tâm huyện Yên Thủy 12 km, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Lạc Hưng mới đạt 8 tiêu chí. Đây là con số khá khiêm tốn đối với một xã có 8 km đường Hồ Chí Minh đi qua. Trước thực tế đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã đang dồn sức hoàn thành các tiêu chí và phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất có thể.