(HBĐT) - Có dịp qua huyện Kim Bôi vào những ngày đầu xuân mới, tôi không quên dành thời gian đứng bên lề QL12B trải tầm nhìn về cánh đồng tươi tốt thuộc xóm Sào, xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì để cảm nhận sức xuân đang về.
Để định hình rõ hơn những cảm nhận của mình, tôi men theo những bờ ruộng cạn, cận cảnh thu hoạch rau, màu vụ đông của những người nông dân. Cầm trên tay bông cải xúp lơ xanh mởn mơn, chị Bùi Thị Hoa giới thiệu: Đây là rau sạch. Gia đình đã duy trì trồng rau vụ đông từ 4 năm nay. Giá rau quả có năm được, năm kém nhưng cũng giúp gia đình có thêm đồng ra, đồng vào và cái được nhất là có sản phẩm hàng hóa để góp mặt ở chợ. Trước đây, khi mới trồng rau, quả, người dân Hạ Bì phải gồng gánh rau về chợ thị trấn Bo, nhưng nay đã có một chút gọi là “thương hiệu” được nhiều người biết đến nên rau quả thu hoạch được bày bán ngay lề đường hoặc bán cho các đầu mối thu gom đưa về TP Hòa Bình.
Anh Bùi Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND xã Hạ Bì phấn khởi nhận định: Nhìn chung, người dân Hạ Bì khá năng động. Dưới sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, bà con đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã nắm bắt nguồn cung, cầu của thị trường để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Theo đó, năm 2016, Hạ Bì duy trì 377,1 ha lúa, đạt 100,2% so với kế hoạch, năng suất đạt 52,65 tạ/ha; ngô 38 ha, bằng 181,8% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang tăng 201% so với cùng kỳ. Rau, đậu các loại 153,2 ha, bằng 144% so với cùng kỳ.
Về chăn nuôi, xã phát triển đàn trâu, bò 945 con, bằng 104% so với cùng kỳ; đàn dê 190 con, bằng 190% so với cùng kỳ; đàn lợn 6.100 con, bằng 101% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 50.230 con, đạt 179% kế hoạch và bằng 156% so với cùng kỳ.
Tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ cũng có bước phát triển khá. Hiện, toàn xã có 241 hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch. Trong đó, 39 hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ hàng tạp hóa, tạp phẩm; 65 hộ kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ; 5 hộ kinh doanh dịch vụ giải trí; 19 hộ kinh doanh vận tải… và các ngành nghề khác.
Năm 2016, thu nhập bình quân của nhân dân trong xã đạt trên 21 triệu đồng/người. Đời sống được nâng cao, người dân cũng tích cực, hồ hởi chung sức xây dựng NTM. Những năm qua, xã Hạ Bì đã khơi dậy được phong trào trên tinh thần tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau để tạo đà tăng tốc ở đoạn đường về đích. Xã tập trung sâu cho tiêu chí giao thông, thủy lợi. Qua đó, đã tu sửa, đào đắp, tạo mặt bằng trên 2.000 m đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; cứng hóa 1.259 m đường giao thông nội đồng; 1.692 m mương. Xã Hạ Bì đã hoàn thành 16 tiêu chí NTM.
Theo lời Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Thảo, với 3 tiêu chí còn lại gồm: cơ sở vật chất văn hóa, y tế và hộ nghèo, xã Hạ Bì sẽ hoàn thành để cán đích NTM trong năm 2017. Nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đưa ra, trong đó nổi bật là nâng mức thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5% trở lên. Phấn đấu xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục đối với 3 cấp học. Giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia của 2 trường THCS và tiểu học trên địa bàn. 70% hộ gia đình và 4/6 làng đạt tiêu chuẩn gia đình, khu dân cư văn hóa...
Cùng với những chỉ tiêu đã định, xã Hạ Bì đã đưa ra những giải pháp thiết thực để triển khai, thực hiện. Ngay trong những ngày đầu năm, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo đồng bộ các biện pháp phát triển sản xuất. Tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức người, sức của cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để hoàn thành các tiêu chí NTM, tạo nên không khí thi đua hào hứng, tô đậm thêm sắc xuân Hạ Bì.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) bền vững là tiêu chí chủ lực được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm. Trong chương trình xây dựng NTM, huyện Yên Thuỷ luôn xác định GTNT là khâu thực hiện trước tiên tạo tiền đề cho phát triển KT -XH góp phần làm nên diện mạo NTM.
(HBĐT) - Kể từ ngày 23/1/2017, huyện Lạc Thủy chính thức khai trương cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
(HBĐT) - Theo thống kê của Sở NN & PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 74 cơ sở chăn nuôi gia súc quy mô lớn (trong đó có 5 cơ sở đang trong quá trình xây dựng chưa đi vào hoạt động). Tổng diện tích đất các cơ sở chăn nuôi sử dụng khoảng 458,3 ha (cơ sở có diện tích lớn nhất 150 ha và ít nhất 0,02 ha, bình quân 6,1 ha/ 1 cơ sở chăn nuôi). Các cơ sở chăn nuôi tạo việc làm cho 421 lao động địa phương. Bình quân mỗi cơ sở tạo việc làm cho 6 lao động.
(HBĐT) - Sáng 10/2, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị thường kỳ tháng 2, đánh giá tình hình KT-XH tháng 1/2017; thảo luận và cho ý kiến về các tờ trình, đề án quan trọng của tỉnh.
(HBĐT) - Cam là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao ở huyện Cao Phong. Với việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong (năm 2014) và cam Cao Phong được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” năm 2016 đã tạo bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, đưa sản phẩm này chinh phục thị trường. Cao Phong đang nhân rộng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
(HBĐT) - Về đồng đất huyện Lạc Thủy những ngày này, khí thế sản xuất vụ chiêm - xuân đang ở thời điểm sôi động nhất kể từ đầu vụ. Việc làm đất cấy lúa, trồng màu đã hoàn tất, nông dân nô nức xuống đồng.