Bỏ lợn để nuôi gà
Hiện tại, giá lợn trên thị trường đã tăng lên. Các gia trại và trang trại đang cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn. Những hộ nuôi nhỏ lẻ sau khi xuất chuồng bị thua lỗ hiện chưa tái đàn hoặc giảm đàn.
Một thực trạng đáng lưu tâm là trước tình hình chăn nuôi thua lỗ nặng, hàng trăm hộ trên địa bàn tỉnh chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà, bởi theo họ, nhu cầu về gà thịt, gà đẻ trứng còn dồi dào, giá cả trong thời gian qua ổn định và có lãi. Bên cạnh một số hộ chuyển sang nuôi gà đỏ, còn gọi là gà lông màu như các giống ri lai, gà đồi Lạc Thủy, Lạc Sơn…, một số hộ nuôi gà lông trắng quy mô gia trại (nuôi công nghiệp) ở các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn cũng vấp phải trở ngại lớn về giá cả thị trường. Có lúc giá mỗi kg gà lông trắng chỉ 10.000 - 11.000 đồng. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn gia cầm đến nay đạt trên 4,4 triệu con, có 55 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, trong đó 39 trang trại nuôi gà thương phẩm, 14 trang trại nuôi gà giống và đẻ trứng thương phẩm.
Hộ chăn nuôi lợn xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc) tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để duy trì đàn lợn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong tình cảnh nuôi lợn thua lỗ, số hộ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà ngày càng gia tăng một cách tự phát. Hiện tại, giá bán gà thịt lông màu bình quân 60.000 - 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá chấp nhận được, đảm bảo người chăn nuôi có lãi. Song thực tế đáng lo ngại với việc tăng đàn gà chiều hướng ồ ạt như hiện nay, nguy cơ trong thời gian không xa, thậm chí chỉ vài tháng tới, đầu ra gà thương phẩm sẽ gặp khó khăn, giá cả đi xuống, không duy trì ổn định như hiện tại.
Nguy cơ khủng hoảng con giống
Cho đến nay, đàn lợn nuôi trong dân vẫn còn nhiều. Giá thị trường tuy có nhích lên khoảng 38.000 đồng/kg lợn hơi đối với các trại lợn nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp lớn, giá lợn hơi mua trong dân khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi cơ bản vẫn đang lỗ.
Trong tình hình giá lợn hơi xuống thấp, đầu tư gặp rủi ro, thua thiệt, nhiều hộ chăn nuôi lợn nái đã loại nái do không bán được con. ở một số gia trại cũng bán, giảm dần con nái. ông Bùi Văn Hiến, hộ nuôi lợn nái xã Kim Tiến (Kim Bôi) than thở: Lợn giống đến kỳ xuất bán có lúc chỉ vài chục nghìn đồng/con mà vẫn không có người hỏi mua. Buộc lòng gia đình tôi phải bán nái cho lái thương mua thịt.
Ông Nguyễn Văn Quốc, chủ trại chăn nuôi lợn xã Phú Thành (Lạc Thủy) cũng chung tình cảnh loại bớt số lượng con nái.
Việc loại con nái đang diễn ra dẫn đến những lo ngại trong vài tháng tới, chăn nuôi lợn của tỉnh sẽ đối mặt với khủng hoảng thiếu con giống. Cuối năm là thời điểm nhu cầu thịt lợn phục vụ Tết tăng cao, khả năng giá lợn theo đà đó cũng tăng cao. Tuy nhiên, nếu các hộ tiếp tục loại con nái sẽ đẩy thị trường con giống vào tình trạng khan hiếm, ảnh hưởng đến việc tái đàn, đầu tư cho sản xuất cũng như cung ứng nguồn thịt cho thị trường.
Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Việc cấp thiết bây giờ là tuyên truyền, vận động không tiếp tục loại nái để đáp ứng thị trường con giống. Những hộ chăn nuôi nên duy trì đàn nái, đưa số lượng đàn nái tăng lên. Với những hộ chuyển sang nuôi gà cần lưu ý tăng quy mô ở mức vừa phải để tránh sản phẩm dư thừa, rớt giá. Mặt khác, người chăn nuôi nắm bắt thông tin kịp thời và đầy đủ về giá lợn hơi, giá thịt lợn của thị trường để không bị thương lái ép giá. Các huyện, thành phố rà soát, thống kê lại sản xuất chăn nuôi để có kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương, đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ môi trường và ATTP, khuyến khích thay đổi cơ cấu giống, chú trọng phát triển các giống đặc sản, giống vật nuôi có tiềm năng lợi thế như gà Lạc Thủy, Lạc Sơn, lợn bản địa, lợn rừng lai... theo hướng đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi để việc tiêu thụ tránh khỏi rủi ro do yếu tố thị trường mang lại.
Bùi Minh