Dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng, nhân dân xã Nam Phong (Cao Phong) phát triển vùng cây ăn quả có múi.
Cách đây mươi năm, Cao Phong được biết đến nhiều hơn với lợi thế vùng mía tím chủ lực. Còn hiện giờ, cả nước biết đến Cao Phong là vùng cam có tiếng, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong. Điều gì đã giúp Cao Phong trở thành vùng đất có kinh tế phát triển đứng tốp đầu của tỉnh? Đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, đó được bắt nguồn từ Nghị quyết số 04 - NQ/HU ngày 13/5/2006 của Huyện ủy về phát triển cây ăn quả có múi, cây công nghiệp. Từ nghị quyết này, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành.
vùng chuyên canh với 2 loại cây chủ lực là cây ăn quả có múi và mía. Đồng thời, bằng các nguồn ngân sách của tỉnh và của huyện cùng nguồn vốn thu hút từ các dự án, huyện đã thực hiện tốt chương trình nhân giống, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích cây ăn quả có múi nhờ thế tăng nhanh. Bên cạnh hàng nghìn ha cam, quýt trồng mới, toàn huyện có trên 900 ha cam, quýt thời kỳ kinh doanh, giá trị đạt trên, dưới 800 triệu đồng/ha. Với nỗ lực chung của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, 4 giống cam CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH & CN cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được cấp chứng nhận này. Đây được coi là bước đột phá mang tính chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Đặc biệt từ khi có chứng nhận chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến thương hiệu cam Cao Phong nhiều hơn, giá trị cũng tăng lên gấp 1,5 - 2 lần. Huyện cũng đã định hướng đúng đắn trong bảo vệ và phát triển thương hiệu với việc xây dựng vùng trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với nhân dân các dân tộc huyện Tân Lạc, Nghị quyết số 10 do BCH Đảng bộ huyện ban hành vào tháng 7/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn giai đoạn 2013 – 2020 đã chỉ đường hướng giúp họ thỏa lòng. Cùng với Nghị quyết, một loạt chủ trương, giải pháp đã được tiến hành quy mô, bài bản và cụ thể hóa bằng việc khuyến khích nông dân chủ động lựa chọn đất trồng bưởi, cải tạo vườn tạp để trồng bưởi, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng thâm canh cao, khuyến khích trồng theo quy mô trang trại, tiến tới thực hiện sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn tại Việt Nam (VietGAP). Đồng chí Đinh Công Sứ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, huyện đã mở đợt sinh hoạt tư tưởng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, xác định việc tổ chức, thực hiện là nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo. BCH Đảng bộ cũng phân công các đồng chí ủy viên BTV phụ trách vùng, Huyện ủy viên phụ trách xã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tại địa bàn được phân công, thực hiện báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện nhiệm vụ với BTV Huyện ủy. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò nòng cốt của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể các cấp, nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền và thực hiện. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng việc phát triển cây bưởi đỏ, bưởi da xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống khuyến nông. Từ đây, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển cây trồng hàng hóa nói chung, cây bưởi đỏ, bưởi da xanh nói riêng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tư duy của nông dân về phát triển kinh tế, tiến tới làm giàu từ kinh tế nông nghiệp đã thay đổi bước ngoặt.
Trong khi đó, tại một số địa phương được xem là vùng kinh tế động lực của tỉnh là Lạc Thủy, Lương Sơn, nông nghiệp cũng chuyển dịch mạnh với những bước đi, cách làm đột phá. Điển hình là huyện Lạc Thủy, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, vùng cây ăn quả có múi được mở rộng tới hàng trăm ha mang lại thu nhập không nhỏ cho bà con.
Tại huyện Lương Sơn, bước tiến trong sản xuất trồng trọt lại là các loại rau - củ - quả được canh tác hữu cơ. Kể từ năm 2011 trở lại đây, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của bà con nông dân trong huyện đã chiếm lĩnh thị trường ổn định, là 1 trong 2 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được vinh danh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2016.
Tại huyện nghèo vùng cao Đà Bắc, Nghị quyết số 08 ngày 19/10/2009 về phát triển ngành thủy sản vùng lòng hồ sông Đà giai đoạn 2009 – 2015, định hướng đến năm 2020 đã khiến diện mạo nông nghiệp nơi đây được thổi "luồng sinh khí” mới. Từ triển khai các nội dung chương trình, kế hoạch hành động của Nghị quyết này, nghề nuôi và đánh bắt thủy sản tại các xã vùng hồ có bước phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn hiện có trên 1.000 lồng nuôi cá, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2009. Ngành thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mũi nhọn, hướng mạnh vào đầu tư nuôi thâm canh, hình thành các HTX, tổ hợp tác, làng nghề cá. Huyện đang phấn đấu đến năm 2020, giá trị ngành thủy sản chiếm 15 - 20% tổng giá trị ngành nông nghiệp, thu hút 25 - 30% lao động tại các xã ven hồ sông Đà.
Tỉnh ta có nhiều thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lợi thế tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, thị trường tiêu thụ rộng mở. Nhìn thấu những lợi thế tiềm năng đó, cách đây hơn 3 năm, ngày 13/6/2014, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 10 về "Phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn, giai đoạn 2014 – 2020”, Nghị quyết số 12 về "Phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020”. Tiếp đó, Nghị quyết số 14 –NQ/TU ngày 13/11/2014 về "Cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2020” được ban hành. Những Nghị quyết trúng và đúng này đã vạch ra đường hướng để nông nghiệp của tỉnh có được những chuyển động bước ngoặt.