Theo kế hoạch năm 2018, huyện Cao Phong lên kế hoạch triển khai gieo cấy 450 ha lúa. Cơ cấu cây lúa vụ xuân gồm: lúa thuần chiếm 52,3% diện tích; giống lai chiếm 34,9%; 12,8% diện tích còn lại là giống nếp và địa phương. Tính đến nay, toàn huyện đã làm đất 100% diện tích gieo cấy. Lượng mạ gieo 26,2 ha, không có mạ chết rét. Do chủ yếu cấy tra xuân muộn nên huyện dự kiến đến 15.3 sẽ hoàn thành việc gieo cấy. Ngoài ra huyện duy trì ổn định diện tích mía các loại 2.500 ha, và trồng 1.444 ha cây màu và rau đậu thực phẩm. Huyện đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa không đảm bảo nước tưới sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn khoảng 130 ha.
Năm 2018 toàn huyện dự kiến trồng mới 120 ha cây ăn quả có múi theo hướng rải vụ chủ yếu là cải tạo vườn tạp. Đối với cây có múi, tình hình dịch hại xuất hiện bệnh thối quả, bệnh muôi đen gây hại cục bộ trên một số diện tích cam quýt thời kỳ kinh doanh, rệp xanh, nhện đỏ gây hại cục bộ trên một số diện tích cam, quýt thời kỳ kiến thiết cơ bản. Đối với cây mía có hiện tượng rệp sáp, rệp sơ trắng hại rải rác; cây rau xuất hiện sâu xanh, sâu tơ, bệnh lở cổ rễ, thán thư xuất hiện trên cây rau họ bí.
Tình hình thú y, thuỷ sản, huyện Cao Phong đã phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, đôn đốc hướng dẫn nông dân chủ động chống rét, dịch bệnh cho thuỷ sản. Đến nay toàn huyện có 21 con bê nghé bị chết rét. Huyện duy trì ổn định mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trên 133 ha và 506 lồng cá các loại và chưa có hiện tượng thuỷ sản chết do dịch bệnh.
Đối với cây lâm nghiệp, huyện Cao Phong đã tổ chức tết trồng cây với kế hoạch trồng 10.000 cây phân tán và chuẩn bị nguồn cây giống thực hiện kế hoạch trồng mới 150 ha rừng năm 2018.
Công tác thuỷ lợi hiện trên địa bàn huyện có 107 công trình hồ đập và bai dâng. Do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2017 đã làm hư hỏng 26 công trình. Hiện tại cơ bản đủ nước phục vụ cho sản xuất.cũng được huyện cao Phong đặc biệt quan tâm. Tuy vậy, với tình hình hiện nay, do thời tiết diễn biến khó lường, Cao Phong dự kiến khả năng hạn trên lúa và cây mầu là 150 ha, trong đó có 50 ha là cây lúa. Mặt khác, đến thời điểm này tình hình tiêu thụ mía tím chậm mới tiêu thụ được khoảng 42% nguyên nhân được xác định là do lượng sản phẩm lớn trong khi nhu cầu thị trường thấp...
Tại buổi làm việc, huyện Cao Phong đã kiến nghị tỉnh quan tâm tiếp tục hỗ trợ giống mía tím nuôi cấy mô thế hệ F0 kịp thời để phục vụ sản xuất.
Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình gieo cấy ở xã Yên Thượng, Cao Phong
* Chiều 26/2, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã có buổi làm việc với UBND huyện Đà Bắc kiểm tra tình hình sản xuất trước, trong và sau tết nguyên đán 2018.
Vụ Chiêm xuân 2018 huyện Đà Bắc có kế hoạch gieo trồng các loại cây với tổng diện tích 7.950 ha, trong đó lúa nước 900 ha. Tính đến ngày 25/2 bà con nhân dân đã cơ bản làm đất xong, mạ đã ngâm, ủ, gieo 45 tấn đạt 100% kế hoạch, trong đó lúa thuần chiếm khoảng 75%, toàn huyện đã cấy được khoảng 45 ha.
Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân các xã, thị trấn thực hiện việc chuyển đổi trồng một số cây có giá trị như: bưởi da xanh, bưởi đỏ, bưởi diễn, cam... tại các xã: Hào Lý, Tu Lý, Cao Sơn, Toàn Sơn; một số diện tích được quy hoạch để trồng rau an toàn tại xã Tu Lý bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con nhân dân.
Do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn huyện nên ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, đã có 163 con trâu, bò bị chết rét tập trung tại một số xã Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Suối Nánh, Tân Minh, Đồng Ruộng, Tiền Phong...
Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất vụ xuân tại xã Tu Lý, Đà Bắc.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản 82 ha. Số lồng nuôi cá hiện tại 1.125 lồng. Sản lượng thủy sản đạt 990 tấn.
Toàn huyện thực hiện tết trồng cây được khoảng 50.000 cây. Năm 2018 huyện có kế hoạch trồng rừng mới 800 ha, đến nay bà con nhân dân đang chuẩn bị cây giống, hiện trường để khi thời tiết thuận lợn tiến hành trồng đảm bảo thời vụ và kế hoạch đề ra.
Về công tác thuỷ lợi, huyện đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục tạm thời các công trình thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai gây ra năm 2017. Khả năng diện tích lúa bị hạn khoảng 70 ha; diện tích lúa không đảm bảo nước, chuyển sang trồng màu khoảng 20 ha; diện tích màu bị hạn khoảng 2.000 ha. Huyện đưa ra các biện pháp khắc phục như điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm đảm bảo cung cấp đủ nước cho cả vụ; trồng những cây có khả năng chịu hạn cao; chuyển những diện tích cấy lúa nước bị hạn sang trồng màu và trồng những cây có khả năng chịu hạn cao.
Tại buổi làm việc, UBND huyện Đà Bắc đã kiến nghị UBND tỉnh: hỗ trợ kinh phí để triển khai Quyết định số 10, Quyết định số 11 và hỗ trợ kinh phí quản lý cho công tác triển khai các Quyết định trên; hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các công trình hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng trong đợt mưa lũ; hỗ trợ kinh phí để mua máy bơm và xăng chống hạn vụ chiêm xuân 2017-2018.
Đoàn công tác đã ghi nhận những đề xuất kiến nghị của UBND huyện và tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh.