|
Theo hợp đồng đã ký kết, từ đầu năm 2018, người dân xóm Trường Long, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) liên kết với doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất và tiêu thụ bí bao tử, quy mô ban đầu trên 10 ha. Theo hợp đồng đã ký kết, hai bên thống nhất sẽ liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm ớt xuất khẩu trong thời hạn 1 vụ, tức là trong thời gian sản xuất từ tháng 1/2018 đến ngày 31/5/2018, tổng diện tích sản xuất 51.000 m2. Cụ thể, bên A (Công ty Thiên An) cam kết đầu tư giống, các loại phân bón và tiêu thụ sản phẩm quả ớt sừng bò do bên B trồng. Bên B (Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xóm Tân Thành, gồm 32 thành viên là nông dân trong xóm) cam kết trồng, chăm sóc và bán 100% sản lượng ớt quả thu hái được cho bên A. Về quy cách, chất lượng sản phẩm: Bên A sẽ thu mua quả ớt xanh đến kỳ thu hoạch đủ ngày tuổi, không phân loại to, nhỏ nhưng quả ớt phải căng bóng và còn tươi nguyên; không thu mua ớt bị héo, ngâm nước, hỏng thối hoặc có tạp chất. Giá thu mua cố định 5.500 đồng /kg, thanh toán bằng tiền mặt. Nếu bên A không thu mua hoặc chỉ thu mua một phần sản lượng thì bên A phải có trách nhiệm trả tiền đầy đủ cho sản lượng mà bên B thu hoạch của cả vụ trồng với giá 5.500 đồng /kg và không được trừ tiền giống, phân bón Công ty đã ứng trước. Trong trường hợp bên B vi phạm, hợp đồng cũng quy định rõ: Nếu bên B do thiếu trách nhiệm để cây chết hoặc cây trồng không đảm bảo sản lượng, chỉ thu hoạch được dưới 1.000 kg ớt trên 500 m2 thì ngoài việc trả lại tiền đầu tư ứng trước, bên A sẽ phạt 500 đồng /kg trên tiền bán sản phẩm. Nếu bên A phát hiện bên B bán sản phẩm cho bên thứ 3 không phải là bên A thì bên vi phạm sẽ phải trả tiền phạt cho bên A 300 triệu đồng /500 m2 (tính bằng 2 lần sản lượng bình quân thu được), số tiền phạt tương ứng diện tích trồng. Đặc biệt, hợp đồng còn có riêng điều khoản quy định "Thưởng do thực hiện tốt hợp đồng”: Đối với các hộ chăm sóc tốt, có sản lượng ớt thu hoạch đạt từ 2.100 kg /500 m2 trở lên thì bên A thưởng 100 đồng /kg cho toàn bộ sản lượng thu hoạch của hộ đó. Sau khi ký kết hợp đồng, bắt đầu từ tháng 1/2018, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xóm Tân Thành với 32 hộ nông dân tham gia đã triển khai dự án theo đúng thời gian, quy định của Công ty Thiên An. Sau khi nhận đủ cây giống và vật tư, các hộ tuân thủ đúng quy trình canh tác theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do Công ty cử xuống địa bàn. Đến nay, cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Cán bộ kỹ thuật của Công ty thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên quản tại địa phương tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong suốt quá trình trồng và chăm sóc, đảm bảo diện tích canh tác của dự án sẽ cho năng suất, sản lượng tốt đúng như kế hoạch đề ra. Được biết, ngoài dự án liên kết với Công ty Thiên An, một số xã trên địa bàn huyện Yên Thủy đang tích cực thúc đẩy các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lợi thế của địa phương. Điển hình như: Dự án "chuỗi sản xuất cà gai leo tại xã Yên Trị” thực hiện trên 20 ha của HTX Ninh Hòa xã Yên Trị vừa tiến hành trồng cây vào đầu tháng 3/2018. Dự án "chuỗi sản xuất bí xanh tại xã Đoàn Kết” thực hiện trên 15 ha tại xóm Nam Bình, đến tháng 4/2018 sẽ cho thu hoạch… Hiện, các bên đối tác là Công ty cổ phần Solavina Hòa Bình và HTX Nông lâm Bảo Hiệu đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua, kinh doanh sản phẩm bí xanh và dược liệu với các hộ tham gia dự án. Cùng với việc thực hiện tốt các dự án này, trong thời gian tới, huyện Yên Thủy sẽ ưu tiên nguồn lực để triển khai dự án "Liên kết sản xuất - tiêu thụ dưa leo thương phẩm” quy mô 30 ha, 150 hộ tham gia, tại 3 xã Lạc Thịnh, Đoàn Kết, Bảo Hiệu; dự án "Liên kết tiêu thụ sản phẩm bưởi Diễn tiêu chuẩn VietGAP” quy mô 30 ha, 80 hộ tham gia tại 2 xã Ngọc Lương và Bảo Hiệu. Đây là các địa phương tiêu biểu nhất của huyện Yên Thủy đã thực hiện tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa, tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa các chương trình ưu tiên trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy khẳng định: Kết quả dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp chính là nền tảng quan trọng hàng đầu giúp huyện Yên Thủy thu hút và thực hiện thành công các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó hình thành các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao như bí xanh, ớt, cà gai leo, dưa bao tử, lạc, rau họ bầu bí… Những năm gần đây, trung bình mỗi năm huyện dồn điền, đổi thửa được khoảng 200 ha. Đến nay, tổng diện tích đã dồn đổi toàn huyện đạt gần 1.500 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã: Yên Trị, Ngọc Lương, Bảo Hiệu… Trên diện tích đã dồn đổi, mức độ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đã được cải thiện đáng kể (chiếm trên 80% tổng diện tích), góp phần làm gia tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư vào Yên Thủy, cùng với các điều kiện khác như sự tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, trình độ nhận thức và năng lực của người dân, các cơ chế ưu đãi áp dụng trong sản xuất nông nghiệp… Trong thời gian từ nay đến năm 2020, huyện Yên Thủy xác định sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, mục tiêu là nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân - giá trị cốt lõi nhất trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thủy giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Thu Trang
|