(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện có 2 doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hoá có quản lý, sử dụng diện tích đất phi nông nghiệp tại địa phương gồm: chi nhánh Công ty cổ phần Công nghệ phẩm (CNP) Hòa Bình và chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực (CPLT) Hà Sơn Bình. Qua đánh giá, hiện nay, các doanh nghiệp này đều nắm giữ diện tích đất ở những vị trí thuận lợi nhưng không phát huy được hiệu quả...


Khu đất "vàng” của Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hoà Bình nắm giữ tại tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) nhiều năm qua không phát huy hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp.

Lãng phí đất "vàng”

Theo Hợp đồng số 91/HĐTĐ ngày 01/10/2012 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Công ty CPLT Hà Sơn Bình thì công ty được thuê 3.312,3m2 tại tiểu khu 8 thị trấn Lương Sơn với mặt tiền hàng chục mét ngay sát tuyến Quốc lộ 6A để làm cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX- KD). Thời hạn thuê đất đến hết ngày 20/11/2056.

Theo Báo cáo số 56, ngày 26/3/2018 của Công ty CPLT Hà Sơn Bình, từ khi được thuê đất, Công ty đã sử dụng đúng mục đích toàn bộ 3.312,3m2. Trên diện tích này, Công ty không cho thuê, không cho mượn, không có lấn chiếm, tranh chấp hay liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư. Công ty cũng không tổ chức giao khoán cho các tổ chức, cá nhân. Toàn bộ diện tích này đã được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo phương án, bao gồm xây dựng nhà làm việc, ki - ốt bán hàng, kho chứa hàng, lò sấy nông sản và cân điện tử. Hàng năm, Công ty tổ chức thu mua nông sản (sắn, ngô) cho người dân quanh vùng và vùng Tây Bắc. Kho chứa được từ 2.000 – 3.000 tấn hàng luân chuyển liên tục trong mùa vụ bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi...

Tuy nhiên, mới đây qua kiểm tra thực tế thì việc quản lý, sử dụng diện tích "đất "vàng” của Công ty không giống như báo cáo. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà kho xuống cấp, văn phòng giao dịch, lò sấy nông sản, kho bãi qua một thời gian dài không hoạt động, cơ sở vật chất xuống cấp, nhếch nhác; sân bãi từ lâu đã được người dân tận dụng để dựng rạp... đám cưới.

Lý giải về hiện trạng này, theo bà Từ Tố Uyên, Phó phòng Kế hoạch - Đầu tư Công ty CPLT Hà Sơn Bình thì: "Hiện trạng như hiện nay là do Công ty đang sửa chữa, nâng cấp”... Tuy nhiên, theo UBND huyện Lương Sơn đánh giá, trong quá trình thuê đất tại địa phương, Công ty CPLT Hà Sơn Bình chưa có kế hoạch để sử dụng đất phù hợp, hiệu quả. Còn để đất cho các hộ dân, cán bộ công nhân viên (cũ) mượn không có giấy tờ từ năm 2005 đến nay và kho (cũ) chứa hàng nông sản xây dựng từ những năm 1975 chưa được sửa chữa, nâng cấp...

Không chỉ Công ty CPLT Hà Sơn Bình mà Công ty cổ phần CNP Hoà Bình mặc dù đã giải thể hoạt động tại chi nhánh Lương Sơn nhưng theo ông Hoàng Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty, hiện nay, Công ty vẫn 239,5 m2 đất nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 6 thuộc tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn. Do không còn hoạt động nên Công ty đã cho cán bộ nhân viên trực tiếp quản lý, kinh doanh.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng đất của Công ty trên, UBND huyện Lương Sơn nêu rõ: Hiệu quả sử dụng đất của Công ty thấp. Các gian nhà xây dựng từ năm 1960 đến nay đã cũ, hỏng nát và cho thuê một số gian nhà để bán hàng ăn uống gây ô nhiễm môi trường, xấu cảnh quan của huyện.

Sử dụng không hiệu quả nhưng không có phương án khả thi

Mặc dù đang nắm giữ những khu đất "vàng” có giá trị, tiềm năng kinh doanh cao nhưng trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần CNP Hoà Bình và Công ty CPLT Hà Sơn Bình đã không phát huy hiệu quả, thậm chí gần như không hoạt động. Thế nhưng khi làm việc với các ngành chức năng, các Công ty này đều khẳng định có ý định tiếp tục thuê, nắm giữ diện tích đất đang quản lý, sử dụng. Bà Từ Tố Uyên, Phó phòng Kế hoạch - Đầu tư, Công ty CPLT Hà Sơn Bình khẳng định: Hiện nay, Công ty đang nghiên cứu, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Do vậy, Công ty không có phương án trả lại cho tỉnh diện tích đất 3.312,3m2 mà đơn vị đang quản lý tại thị trấn Lương Sơn.

Còn về phía Công ty Cổ phần CNP Hòa Bình, ông Hoàng Văn Việt, Phó Giám đốc cho biết: Hiện nay, Công ty đang chuẩn bị Đại hội cổ đông, do vậy cũng chưa tập trung nghiên cứu, xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Tới đây, sau khi tổ chức xong Đại hội cổ đông, Công ty sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án để cải tạo, nâng cấp đầu tư kinh doanh phù hợp với thực tế tại địa phương cũng như cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với quy hoạch của huyện.

Về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Dậu, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn nêu rõ quan điểm: Do hiện nay Công ty cổ phần CNP Hòa Bình đã giải thể chi nhánh Lương Sơn. UBND tỉnh vừa thu hồi một phần diện tích đất cho Công ty thuê để giao cho Chi nhánh Ngân hàng BIDV xây dựng trụ sở làm việc. Vì vậy, diện tích đất của Công ty cổ phần CNP Hòa Bình ở Lương Sơn chỉ còn gần 240 m2. Dù ở vị trí mặt tiền có giá trị kinh doanh nhưng trên thực tế, hiệu quả sử dụng đất của Công ty còn thấp. Cảnh quan xuống cấp, nhếch nhác. Đề nghị Công ty có phương án sử dụng hiệu quả, cải tạo lại cảnh quan phù hợp với quy hoạch của huyện. Nếu Công ty không có nhu cầu sư dụng thì đề nghị tỉnh thu hồi cho các hộ dân đấu giá để sử dụng theo quy hoạch của huyện, giảm bớt gánh nặng cho Công ty khi làm nghĩa vụ với Nhà nước.

Còn đối với Công ty CPLT Hà Sơn Bình, đồng chí Bí thư Huyện ủy Lương Sơn nêu kiến nghị: Mặc dù được tỉnh cho thuê đất với diện tích lớn, ở vị trí thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh nhưng trong nhiều năm qua, việc sử dụng đất của Công ty trên địa bàn huyện không hiệu quả, gây lãng phí. Một số diện tích sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang hóa; nhà kho đã lâu không hoạt động. Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác, những cam kết về đảm bảo môi trường, phòng cháy, chữa cháy Công ty không thực hiện. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giao cho các đơn vị để có phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy, các doanh nghiệp Nhà nước sau khi được cổ phần hóa mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tích cực trong việc bố trí mặt bằng, cho thuê đất SX-KD. Tuy nhiên, do chưa có phương án phù hợp nên các đơn vị này không phát huy được giá trị của đất tạo nên giá trị gia tăng. Ngược lại, hầu hết diện tích đất của các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đều trở thành "bất động” đã gây ra sự lãng phí lớn. Bởi nguồn thu cho ngân sách Nhà nước không chỉ trông vào nguồn thu thuế đất hàng năm của doanh nghiệp, ở đây cần có sự đầu tư, kế hoạch SX-KD một cách phù hợp để doanh nghiệp phát triển góp phần cùng với các thành phần kinh tế của địa phương tạo động lực cho sự phát triển chung của xã hội.

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Uber sát nhập với Grab từ 8.4: Cơ hội vàng cho taxi công nghệ Việt

Càng gần về mốc 8.4, lượng xe Uber cũng như khách sử dụng dịch vụ giảm nhanh, công cuộc sáp nhập Uber và Grab tại Việt Nam chuẩn bị hoàn tất. Và vào thời điểm các lái xe Uber đứng trước câu hỏi "làm hay nghỉ”, nhiều DN Việt công bố nhảy vào cuộc chơi công nghệ, thậm chí khẳng định sẽ chi hàng nghìn tỉ đầu tư. Tuy nhiên, khi Uber phải rút khỏi cuộc chơi để cắt lỗ, taxi công nghệ Việt có dễ gặt hái tại sân chơi khốc liệt này?

Quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án đầu tư trong nước

(HBĐT) - Trong quý I/2018, tỉnh ta có 13 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 622,3 tỷ đồng. Với kết quả đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 502 dự án, gồm 36 dự án FDI, vốn đăng ký 502 triệu USD và 466 dự án đầu tư trong nước, vốn đầu tư trong đăng ký 64.310 tỷ đồng.

Xã Trường Sơn dồn sức xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Là 1 trong 5 xã của huyện Lương Sơn phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2018, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân xã Trường Sơn đã dồn sức xây dựng NTM với tinh thần, quyết tâm cao nhất.

Xã Đông Phong gần 100 con gà bị chết

(HBĐT) - Theo thông tin từ Trạm thú y huyện Cao Phong, đơn vị vừa cử cán bộ chuyên môn đến nhà anh Bùi Văn Chuẩn, xóm Quáng Trong, xã Đông Phong để khảo sát, xét nghiệm số gà bị chết. Anh Bùi Văn Chuẩn cho biết, trong ngày 1/4, đàn gà lông phượng 3.000 con của gia đình anh nuôi có gần 100 con chết, trọng lượng khoảng 1,5kg/con. Gà chết với các triệu chứng ủ rũ, chảy nước dãi rồi chết đột ngột. Gia đình thiệt hại khoảng hơn 10 triệu đồng.

Quý I, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 26 tỷ đồng

(HBĐT) - Trong 3 tháng đầu năm 2018, huyện Mai Châu đón trên 82.494 lượt khách đến thăm quan, du lịch (khách quốc tế 28.420 lượt), tổng doanh thu trong lĩnh vực du lịch ước đạt trên 26,7 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Metro Sài Gòn đội vốn 30 nghìn tỷ: Do tầm nhìn hạn chế

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) liên quan đến việc Dự án xây dựng tuyếnđường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn thêm 30 nghìn tỷ. Do tăng vốn đầu tư khi chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ nên dự án lâm cảnh thiếu vốn, dẫn đến chậm tiến độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục