Diện tích vầu tại xóm Luông Dưới, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) hiện đã được mở rộng lên khoảng 100 ha, chiếm 2/3 tổng diện tích toàn xã, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.
Qua tìm hiểu được biết, cây vầu đã xuất hiện tại xã từ lâu được trồng nhiều tại khu vực đồi dốc và khu vực có nền đất thịt. Cây sinh trưởng chủ yếu bằng hệ thống thân ngầm mọc lan rộng dưới đất thành từng cụm, thân thẳng đứng, vươn cao khoảng 15- 20 m; đường kính thân từ 10 - 12 cm, vách thân dày tới 1 cm. Từ cây vầu có thể sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng… Theo thống kê, diện tích vầu ở xóm Luông Dưới đã được mở rộng lên 100 ha, chiếm 2/3 tổng diện tích vầu của toàn xã. Trong đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xóm đã mở rộng diện tích và lựa chọn vầu là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như gia đình các anh: Bùi Văn Bằng, Bùi Văn Thuật, Bùi Văn Quyền…
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Bằng ở xóm Luông Dưới, một trong những hộ dân phát triển cây vầu hiệu quả nhất. Hiện nay, diện tích vầu của anh Bằng mở rộng trên 3 ha và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh Bằng cho biết: "Trước đây, gia đình tôi phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào cây ngô, lợi nhuận sau khi trừ chi phí chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/năm, đời sống rất thiếu thốn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây vầu tại các vùng lân cận, tôi đã học hỏi cách làm và mở rộng diện tích vầu với hy vọng cải thiện thu nhập. Theo giá thị trường, cây vầu có giá khoảng 10.000 đồng/cây, trong đó có thể bán từng bộ phận của cây theo nhu cầu thu mua của các thương lái. Cụ thể, măng vầu được thu mua làm thực phẩm với giá từ 6.000- 7.000 đồng/kg, vỏ vầu (hay còn gọi là mo vầu) có giá 200 đồng/chiếc được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nón lá, thân cây khoảng 7.000 đồng làm vật liệu xây dựng và chế biến đồ thủ công mỹ nghệ. Nhờ phát triển hiệu quả mô hình, năm 2017, gia đình tôi thu về lợi nhuận 30 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 4 và 5/2018, tôi đã thu được 12 triệu đồng từ bán bẹ vầu. Hiện nay, vầu được xuất bán chủ yếu cho các thương lái đến từ Hà Nội, Hải Dương.
ưu điểm khi phát triển mô hình trồng vầu là người dân không tốn công chăm bón và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên tiết kiệm được chi phí. Nếu khai thác đúng phương pháp và thời điểm thì chu kỳ thu hoạch kéo dài đến 10 năm, mỗi năm có thể thu về từ 10 - 20 triệu đông/ha. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề đặt ra với các hộ dân trồng vầu chính là đường giao thông. Hầu hết các trục đường trong thôn, xóm chưa được cứng hóa, chủ yếu là nền đường đất dẫn tới việc vận chuyển hàng hóa vào mùa mưa rất khó khăn, cước phí đắt đỏ.
Đồng chí Bùi Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Ngổ Luông cho biết: "Trong một vài năm trở lại đây, mô hình trồng vầu tại xóm Luông Dưới đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Theo thống kê, nhân dân trên địa bàn đã trồng được trên 150 ha vầu rải rác tại các xóm. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả, đúng phương pháp để nâng cao thu nhập. Ngoài ra mong muốn các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ thi công trục đường từ xã Quyết Chiến dẫn tới khu vực trung tâm xã. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH xã.
Đức Anh