Thời gian qua theo nhận định của Saigon Petro, xăng E5 chưa thật sự phát triển tương xứng với yêu cầu mục đích đề ra là thay thế xăng RON 92 đã ngưng kinh doanh từ đầu năm 2018.
Qua tham khảo nhiều đầu mối có hệ thống phối trộn và mạng lưới kinh doanh xăng dầu lớn, tỷ trọng xăng E5 trong cơ cấu xăng (bao gồm E5 và RON 95) ngày càng giảm, nhất là thời gian từ đầu năm 2019 trở lại đây. Riêng Saigon Petro tỷ trọng xăng E5 bình quân năm 2018 là 30,06%, tháng 1/2019 giảm xuống còn 25,58% còn tháng 3/2019 giảm xuống còn 19,76%.
Chỉ ra nguyên nhân, Saigon Petro cho rằng công tác tuyên truyền về tác dụng của xăng E5 của Nhà nước, các địa phương và doanh nghiệp có tiến hành nhưng còn ít, chưa thường xuyên. Thực tế nhiều người sử dụng, kể cả những khu vực đô thị, không quan tâm tới xăng E5 và tâm lý sử dụng xăng khoáng để yên tâm về chất lượng, an toàn.
Chênh lệch giá giữa xăng RON 95 và E5 còn thấp, dẫn đến việc người sử dụng xăng chưa quan tâm đến E5 (hiện chênh lệch giá bán lẻ giữa hai mặt hàng này là 1.530 đồng/lít).
"Việc sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp cho nên nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ dần dần lơ là việc giới thiệu bán xăng E5, thậm chí loại bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5 và chuyển sang bán xăng RON 95", Saigon Petro cảnh báo thực tế đáng lo ngại.
Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các DN đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì Quỹ bình ổn giá vẫn được đảm bảo.
"Điều này sẽ không khuyến khích các DN đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5”, Saigon Petro nêu ý kiến.
Vì vậy, Saigon Petro đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác dụng xăng E5 của Nhà nước, các địa phương thông qua kênh thông tin đại chúng.
Ngoài ra, xăng E5 có tác động tốt đến môi trường, do vậy để tạo khoảng cách chênh lệch giá với xăng RON 95 đủ lớn và đúng quy định về khung thuế bảo vệ môi trường, Saigon Petro đề nghị áp dụng thu thuế bảo vệ môi trường trên giá trị tuyệt đối cho từng loại xăng.
Cụ thể, Saigon Petro kiến nghị cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp (ví dụ 500-1000 đồng/lít), không tính thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo tỷ lệ ethanol như hiện nay. Bởi chênh lệch thuế bảo vệ môi trường theo cách tính đó chỉ 200 đồng/lít.
Mục tiêu của giải pháp trên, theo Saigon Petro là tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và RON 95 khoảng 2000-2.500 đồng/lít. Theo Saigon Petro, đây là biện pháp cơ bản và lâu dài nên áp dụng.
Đáng chú ý, Saigon Petro kiến nghị thống nhất các chính sách trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá giữa xăng khoáng và xăng E5.
Saigon Petro cùng với Tổng công ty Dầu Việt Nam là 2 đơn vị đi đầu trong việc xây dựng hệ thống phối trộn xăng E5 để đưa ra thị trường từ những năm 2008-2010. Với tâm huyết sử dụng xăng E5 và sắp tới là E10, nhằm bảo vệ môi trường, Saigon Petro có kiến nghị các biện pháp nhằm đưa sử dụng đại trà xăng E5, giảm tối đa việc sử dụng xăng khoáng không cần thiết.