(HBĐT) -Theo tiến độ đề ra, chỉ còn 1 năm 6 tháng nữa là đến thời hạn hoàn thành Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (sau đây viết tắt là Chương trình). Là 1 trong 21 tỉnh thực hiện, Hòa Bình vẫn còn loay hoay với nút thắt chưa được tháo gỡ nên tiến độ đang chậm so với yêu cầu cũng như so với các địa phương khác.


Với tổng nguồn vốn trên 187 tỷ đồng, ngành NN&PTNT được giao làm chủ đầu tư 10 công trình cấp nước sạch ở các xã khó khăn. Ảnh: Người dân sử dụng nguồn nước sạch từ công trình nước xóm Khộp, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). 

Nút thắt quan trọng nhất chính là đặc thù của Chương trình. Lần đầu tiên, tỉnh ta triển khai một chương trình với đặc thù là dựa trên kết quả. Tức là Chương trình chỉ tiến hành giải ngân nguồn vốn căn cứ vào khối lượng công việc các địa phương đã hoàn thành thay vì được phân bổ vốn ngay từ đầu như nhiều chương trình, dự án khác. Theo cơ chế tài chính đã quy định, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình bao gồm vốn vay WB và vốn đối ứng của địa phương. Trong đó, chỉ tạm ứng 25% số vốn kế hoạch hàng năm, số vốn còn lại sẽ được giải ngân dựa vào kết quả thực hiện của các đơn vị. Đây thực sự là thách thức lớn đối với tỉnh trong bối cảnh nội lực còn hạn chế và khó huy động các nguồn ngoại lực.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình trao đổi: Theo kế hoạch, Chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh có tổng nhu cầu vốn trong cả giai đoạn 2016 - 2020 là 279.695 triệu đồng, bao gồm 257.026 triệu đồng vốn vay WB và 22.669 triệu đồng vốn đối ứng ngân sách địa phương. Chương trình gồm 3 hợp phần: cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá. Mỗi hợp phần sẽ được chia thành các tiểu hợp phần đan xen, giao cụ thể cho các đơn vị để cùng thực hiện. Với đặc thù là dựa trên kết quả, Chương trình đòi hỏi chủ đầu tư phải có tính chủ động cao, linh hoạt cân đối nguồn lực để triển khai các hoạt động, nhất là các hoạt động về đầu tư phát triển. Đây cũng chính là nút thắt cơ bản chưa được tháo gỡ nên tiến độ thực hiện Chương trình đang rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Trên thực tế, chính vì chưa tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là khả năng huy động vốn nên các ngành trực tiếp tham gia là NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế vẫn đang lúng túng sau gần 3 năm triển khai. Theo Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực Chương trình, từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, tổng số vốn đã chuyển về tài khoản của các đơn vị là 35.421 triệu đồng; tổng số vốn điều chuyển năm 2018 sang năm 2019 khoảng 29.137 triệu đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân tính đến ngày 28/5/2019 khoảng 30.787 triệu đồng.

Riêng đối với ngành NN&PTNT, tổng số vốn đã phân bổ từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình đến nay là 29.240 triệu đồng. Trong khi đó, ngành được giao thực hiện tiểu hợp phần 1 về cấp nước cho cộng đồng dân cư và một phần liên quan thuộc hợp phần 3 về việc nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi sử dụng các công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư được hưởng lợi. Riêng tiểu hợp phần 1 đã có tổng mức đầu tư là 187.083 triệu đồng. Trong tình hình tài chính khó khăn, các đơn vị thuộc ngành NN&PTNT đang nỗ lực vượt qua thách thức để chủ động triển khai các gói thầu xây lắp, cố gắng đảm bảo tiến độ các hạng mục đầu tư xây dựng, bao gồm: mở rộng quy mô 2 công trình, xây dựng mới 3 công trình và nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 5 công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư với tổng số 13.800 đấu nối. Đến cuối tháng 5/2019, 7 công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô đã có khối lượng thi công đạt 25 – 33% tổng giá trị hợp đồng; 3 công trình dự kiến xây dựng mới đang gấp rút hoàn thành các công đoạn lập dự án và lựa chọn nhà thầu. Với tiến độ này, từ nay đến cuối năm 2020, các dự án đều phải tăng tốc mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.    

Tăng tốc cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các hoạt động khác thuộc khuôn khổ Chương trình. Bởi vì tiến độ đang rất chậm so với yêu cầu, hầu hết các nội dung đều mới dừng ở bước khởi động trong khi thời hạn hoàn thành chỉ còn năm 2020 và gần 6 tháng còn lại của năm 2019. Để tăng tốc cho Chương trình, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-UBND, ngày 28/5/2019 về việc kiện toàn Ban điều hành. Theo đó, chỉ đạo trong thời gian tới, các sở, ngành là thành viên Ban điều hành sẽ cùng vào cuộc, phối hợp với 3 ngành trực tiếp là NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.  

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành nhấn mạnh: Thời gian không còn nhiều đồng nghĩa với việc chúng ta phải tăng tốc để về đích. Ngay trong các tháng cuối năm 2019, đề nghị các thành viên Ban điều hành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ vướng mắc để phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Trong đó, 3 Sở làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị, sẵn sàng khởi công các hạng mục đầu tư phát triển mới, đồng thời chủ động cân đối nguồn lực để ưu tiên hoàn thành các hạng mục đang thi công. Mặt khác, Ban điều hành cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo cân đối các nguồn lực của chương trình, dự án khác để bổ sung hỗ trợ, phấn đấu tăng tốc cho Chương trình từ nay đến cuối năm 2020.

                                                                                                                T.T

Các tin khác


EVFTA nâng tầm hội nhập của Việt Nam

Một trong những đặc điểm chính của hợp tác kinh tế - thương mại quốc tế trong thời gian gần đây là việc xuất hiện những mối liên kết hợp tác kinh tế mới và sự phát triển mạnh của các xung đột thương mại ở cấp độ song phương, khu vực, thậm chí cả trong khuôn khổ đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong bối cảnh phức tạp và khó lường đó, Việt Nam là một trong số ít nước vẫn duy trì quyết tâm mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới trên cơ sở các nguyên tắc phù hợp đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ. Một dẫn chứng cho đường lối kiên định đó chính là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU), gọi tắt là EVFTA vừa được hai bên ký kết vào ngày 30-6 tại Hà Nội.

Tổng dư nợ trên địa bàn đạt 21.994 tỷ đồng

(HBĐT) - Ước đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 21.255 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2018; vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 16.377 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, vốn huy động trên 12 tháng là 6.934 tỷ đồng, chiếm 33% nguồn vốn huy động.

6 tháng, sản lượng cá thu hoạch ước đạt 6,4 nghìn tấn

(HBĐT) - Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 2,6 nghìn ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Trong tháng 6, sản lượng cá thu hoạch trên toàn tỉnh đạt 946 tấn. 6 tháng đầu năm, sản lượng cá ước đạt 6,4 nghìn tấn, trong đó khai thác 1,2 nghìn tấn, nuôi trồng 5,2 nghìn tấn.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

(HBĐT) - Ngày 28/6, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019.

Huyện Đà Bắc đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc

(HBĐT) - Trong những năm qua, việc thực hiện phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của huyện Đà Bắc đạt được những thành tích quan trọng. Diện mạo nông thôn miền núi thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2014 đạt 17 triệu đồng, đến năm 2019 ước đạt gần 26 triệu đồng.

Hội thảo “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi” tại tỉnh ta

(HBĐT) - Ngày 27/6,  Hội Nông dân (HND) Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo HND Việt Nam tham gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số(DTTS) và miền núi. Dự hội thảo có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch HND Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó trưởng BCĐ T.Ư, Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban dân tộc; Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Dự hội thảo còn có đại biểu của 21 tỉnh trên cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục