Đồng chí Nguyễn Duy Thanh, Trưởng phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: nhằm từng bước khắc phục những hạn chế về chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đào tạo nghề chưa gắn với quy hoạch phát triển KT - XH cũng như xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo quan tâm công tác dự báo nhu cầu nhân lực của từng địa phương và trên toàn tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh hàng năm và chương trình đào tạo có chất lượng, hiệu quả cho từng cơ sở đào tạo; định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT; đồng thời đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động, tạo việc làm bền vững. Bên cạch đó, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả GDNN, đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài để phát triển KT - XH.
Nhờ được đào tạo nghề may công nghiệp, hiện tại, nhiều lao động ở huyện Tân Lạc đã tìm được việc làm tại Công ty may Hồ Gươm, xã Phong Phú (Tân Lạc).
Theo điều tra, nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh trong các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 15.700, 17.400, 19.400 người, nhu cầu lao động qua đào tạo phục vụ phát triển KT - XH của địa phương trong 3 năm lần lượt là 15.000, 17.000, 18.700 người.
Tỉnh đã bố trí ngân sách đảm bảo hoạt động cho các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh quản lý về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, xây dựng chương trình, giáo trình. Trong giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề được trên 77.400 lượt người; trong đó, trình độ cao đẳng 2.021 người, trung cấp 7.648 người, sơ cấp và dưới 3 tháng gần 67.756 người.
Đồng thời, tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và chủ trương xã hội hóa sự nghiệp GDNN. Đối với vấn đề đào tạo nghề cho LĐNT, trong năm 2018, ngân sách T.Ư phân bổ kinh phí 6.300 triệu đồng hỗ trợ nhóm nghề phi nông nghiệp và nhóm nghề nông nghiệp; ngân sách địa phương phân bổ 2.287 triệu đồng. Từ nguồn lực này, có 5.230 LĐNT được đào tạo với đa dạng nghề như: Vi tính văn phòng, giúp việc gia đình, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, dệt thổ cẩm và các lớp về sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, nuôi trồng thủy sản… Trong năm 2019, ngân sách T.Ư phân bổ 1.500 triệu đồng, ngân sách địa phương 2.180 triệu đồng. Tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề cho gần 900 lao động nông thôn.
Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa sự nghiệp GDNN, tỉnh có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 2 trung tâm GDNN tư thục được cho phép thành lập để tổ chức đào tạo nghề. Đặc biệt, nhằm tăng cường thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp khu công nghiệp. Nhờ đó, nhiều LĐNT đã được đào tạo nghề và có việc làm ổn định.
Mặc dù công tác GDNN đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Duy Thanh, Trưởng phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), một trong những khó khăn, ảnh hưởng lớn tới đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề là thực hiện chỉ tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề chưa thực hiện được. Ngoài ra, chỉ tiêu lao động qua đào tạo được đưa vào Nghị quyết hàng năm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Tuy nhiên, nguồn lực để đảm bảo thực hiện, nhất là nguồn lực của địa phương chưa được bố trí hợp lý nên có những phần việc chưa triển khai được thường xuyên theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH như: tổ chức hội giảng cho giáo viên dạy nghề giỏi cấp tỉnh; tổ chức thi thiết bị tự làm và thi tay nghề cho HS-SV. Theo Thông tư số 07, ngày 7/3/2019 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về tuyển sinh, Bộ yêu cầu hàng năm tỉnh và huyện phải tổ chức ngày hội tuyển sinh và giải quyết việc làm. Trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai, tổ chức ở cấp tỉnh, do vậy rất cần có nguồn kinh phí để tổ chức nội dung này.
Thu Hiền