(HBĐT) - Sau hơn 20 tháng triển khai, Dự án đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12 B đi quốc lộ 1 (viết tắt là Dự án) tiến độ rất chậm và đối mặt với nguy cơ bị cắt vốn nếu đến cuối năm nay không hoàn thành kế hoạch giải ngân. Như vậy, trong thời gian 3 tháng còn lại của năm 2019, vấn đề cấp thiết là giải quyết dứt điểm các vướng mắc hiện tại để đẩy nhanh tiến độ thi công.


Áp lực lớn về tiến độ

Nằm trong các dự án giao thông quan trọng sử dụng vốn đầu tư công, Dự án có thời gian thực hiện từ tháng 12/2017 - 12/2019. Với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, theo quy mô thiết kế, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 30 km, điểm đầu tuyến giao với đường Hồ Chí Minh tại km 479+300 thuộc địa phận xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 12 B tại km 67+100, thuộc địa phận thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Đây là tuyến đường trực tiếp kết nối 3 trục giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh, vì thế, sau khi hoàn thành sẽ thông thương thuận lợi, góp phần đắc lực phát triển KT-XH của địa phương.


Lãnh đạo Sở GTVT đối thoại với người dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) để đồng thuận với chủ trương chung và sớm bàn giao mặt bằng cho dự án thi công đảm bảo tiến độ.

Theo Sở GTVT - chủ đầu tư dự án, mặc dù kinh phí được bố trí đầy đủ đáp ứng yêu cầu của tiến độ, nhưng từ khi khởi công đến nay (hơn 20 tháng), tiến độ của dự án rất chậm. Các nhà thầu chưa thực hiện việc ký cam kết sẽ bồi thường những hư hỏng về tài sản do quá trình thi công gây ra đối với một số hộ dân. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa hoàn thành gây ảnh hưởng lớn đến phương án tổ chức thi công tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến thời điểm cuối tháng 8/2019, tiến độ thi công của các nhà thầu đều rất chậm (Công ty TNHH Thành Tiến, giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện là 59,24%; Công ty CP đầu tư và xây dựng Huy Hà, giá trị khối lượng còn lại chưa thực hiện là 79,7%...). Trong khi đó, thời gian thực hiện theo hợp đồng chỉ còn khoảng 3 tháng. Như vậy, dự án có áp lực tiến độ rất lớn. Nếu không hoàn thành thi công toàn bộ tuyến đường vào cuối năm nay, dự án sẽ bị cắt vốn trả về ngân sách Nhà nước.

Bị cắt vốn đồng nghĩa với việc trở thành dự án "treo” sau 2 năm triển khai trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công đảm bảo giải ngân theo tiến độ thi công. Chính vì vậy, chủ đầu tư, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đang quyết tâm tháo gỡ vướng mắc hiện tại để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hoàn thành dự án đúng thời gian quy định.

Quyết tâm hoàn thành dự án

Một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất dẫn đến chậm tiến độ dự án là công tác GPMB. Để thi công tuyến đường, phạm vi cần GPMB là 11,1 km, gồm khoảng 9 km thuộc địa phận huyện Yên Thủy, trên 2 km thuộc địa phận huyện Lạc Sơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả hai địa phương đều chưa hoàn tất bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công.

Tại huyện Yên Thủy, để bàn giao mặt bằng cho dự án thi công tổng chiều dài 9,07 km, huyện cần thu hồi trên 166.217 m2 đất của 485 hộ dân. Đến ngày 21/8, huyện đã bàn giao mặt bằng được 8,87/9,07 km (đạt 97,7% chiều dài tuyến đường), còn 198 m chiều dài chưa bàn giao mặt bằng với 3 hộ tại xã Lạc Lương chưa nhận tiền đền bù và hỗ trợ tái định cư, gồm: hộ ông Bùi Văn Dần (từ km 2+770 - km 2+900, chiều dài tuyến 130 m), hộ ông Bùi Văn Chóng (từ km 2+60 - km 2+110, chiều dài tuyến 50 m), hộ ông Bùi Văn Vỉnh (km 6+882, chiều dài tuyến 11 m). Đối với các trường hợp này, sau nhiều lần làm việc, thời gian tới, UBND huyện sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định để tiến hành cưỡng chế.

Ngoài ra, quá trình thi công dự án (lu lèn, nổ mìn phá tuyến, vận chuyển vật liệu, thi công các vị trí ta luy dương…) đã ảnh hưởng đến nhà ở, công trình phụ trợ của một số hộ dân thuộc xã Lạc Lương và Bảo Hiệu. Đây là các vướng mắc phát sinh đã được chủ đầu tư và đơn vị liên quan tiếp thu, lên phương án giải quyết thấu đáo. Cụ thể, Sở GTVT đã giao đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh bổ sung phương án đường đỏ, điều chỉnh biện pháp thi công nổ phá, bổ sung những hạng mục đã được chủ đầu tư chấp thuận theo yêu cầu chính đáng của nhân dân. Nỗ lực này vừa nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, vừa kịp thời GPMB cho dự án thi công giai đoạn nước rút.

Khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Tầm quan trọng của việc hoàn thành dự án đúng tiến độ đòi hỏi các địa phương, cơ quan, đơn vị phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt, phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Về phía chủ đầu tư, cùng với quyết tâm tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc trong GPMB, vấn đề tổ chức thi công đang được Sở GTVT tập trung đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ trong 3 tháng cuối năm. Tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng, Sở kiên quyết yêu cầu nhà thầu phải huy động tối đa lực lượng để đẩy nhanh tiến độ thi công. Trường hợp đơn vị nào không đáp ứng được, yêu cầu tiến hành ngay các thủ tục, biện pháp để thay thế nhà thầu hoặc sử dụng thầu phụ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Sở yêu cầu Ban quản lý dự án điều ngay một tổ công tác nằm tại hiện trường để chỉ đạo thi công, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh. "Phát sinh ở đâu, giải quyết dứt điểm ngay ở đó. Nhất định không được để tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như thời gian hoàn thành Dự án” - đồng chí Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh.


Thu Trang


Các tin khác


Dấu ấn phong trào “Phụ nữ Lương Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”

(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN Lương Sơn cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Hội LHPN Lương Sơn đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ Lương Sơn chung sức xây dựng NTM".

Tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm cho 286 người

(HBĐT) - Từ nguốn vốn Chương trình NTM được giao năm 2019, huyện Kim Bôi đã tổ chức 5 lớp tập huấn và tuyên truyền về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho 286 người.

Đăng ký 7 sản phẩm OCOP năm 2019

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 -2020, huyện Mai Châu đăng ký 7 sản phẩm ở 3 nhóm.

4 sản phẩm được chuẩn hóa điểm OCOP

(HBĐT) - Trong tổng số 51 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020, UBND tỉnh phê duyệt 12 sản phẩm tham gia thực hiện chuẩn hóa điểm sản phẩm OCOP năm 2019, TP Hòa Bình có 4 sản phẩm đạt thương hiệu sản phẩm theo tiêu chí được UBND tỉnh đưa vào danh mục hỗ trợ nâng cấp và tiêu chuẩn hóa gồm: Sản phẩm cá sông Đà của Công ty TNHH Cường Thịnh, Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng; sản phẩm hạt Sacha Inchi của Công ty CP Inca Việt Nam và HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình; sản phẩm quả thể nấm linh chi của Trung tâm Ứng dụng thông tin KHCN và HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình; sản phẩm chè shan tuyết của Công ty TNHH SX-KD giống cây trồng Phương Huyền.

Chương trình OCOP tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

(HBĐT) - Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị bền vững, trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương. Hiện nay, Chương trình đang được huyện Cao Phong triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Công ty Cổ phần tập đoàn T&T đề xuất 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, sinh thái tại tỉnh

(HBĐT) - Chiều 27/8, tại trụ sở Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Ngô Văn Tuấn đã làm việc với lãnh đạo Công ty CP tập đoàn T&T (T&T Group) đến trao đổi, nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh. Cùng tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Chương; lãnh đạo các sở: KH&DT, Xây dựng, NN&PTNT, TN&MT, GTVT; lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn, thành phố Hoà Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục