(HBĐT) - Bám sát chỉ đạo của T.Ư Đảng, Chính phủ và Quốc hội, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020. Đề án này cũng được cụ thể hóa bằng các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.



Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sungilvina hoạt động hiệu quả tại Cụm công nghiệp Đông Thanh, xã Đông Lai (Tân Lạc), giải quyết việc làm cho 200 lao động nông thôn.

Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh được duy trì ở mức khá cao, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,4%/năm. Quy mô, tiềm lực kinh tế tiếp tục tăng, dự kiến năm 2019, GRDP (theo giá hiện hành) đạt 46.778,7 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 45,75% năm 2016 lên 49,8% năm 2019. Tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 22,27% năm 2016 xuống 20,7% năm 2019.

Từ việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp thực chất, tỉnh đã tập trung phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản và các ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường lao động như điện tử, may mặc, lắp ráp cơ khí, từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển; giá trị gia tăng ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 13,8%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng. Ngành dịch vụ có sự tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 19,5%/năm. Hoạt động xuất khẩu có mức tăng trưởng khá, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu ngày càng phong phú. Tổng kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng qua các năm, từ 365,08 triệu USD năm 2016 tăng ước đạt 791,9 triệu USD năm 2019, tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 29,6%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, linh kiện điện tử, thấu kính quang học, nông sản... Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, đóng góp của khoa học, công nghệ tăng; năng suất lao động tăng bình quân 10,7%/năm, cao hơn giai đoạn trước; vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 27-28%.

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả cao. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt nhằm khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng, chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các chỉ tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp đều đạt và vượt kế  hoạch đề ra. Tỉnh đã hình hành vùng sản xuất hàng hóa, cây có múi, vùng chăn nuôi, vùng thủy sản hồ Hòa Bình theo hướng liên kết sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 82 xã đạt chuẩn NTM. Khu vực nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, giá trị gia tăng bình quân 4%/năm. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong giai đoạn 2016-2019 ước đạt 55.177 tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt 13.794 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư khu vực Nhà nước chiếm khoảng 33%; vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp dân doanh chiếm khoảng 60%; khu vực có vốn FDI chiếm khoảng 7%. Đặc biệt, đã thực hiện kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: giao thông, nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, giáo dục, khoa học công nghệ; ưu tiên các dự án, công trình tạo sức lan tỏa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tạo sự bứt phát cho những năm tiếp theo. Bên cạnh môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư đi vào thực chất, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư "chiến lược” nghiên cứu triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực thương mại, đô thị sinh thái, dịch vụ, kỳ vọng tạo sức bật mới cho kinh tế của tỉnh. 

Mặc dù vậy, việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực vẫn còn một số hạn chế như: nền kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng chưa xứng tiềm năng. Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của tỉnh chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng các yếu tố đầu vào, thiếu nguồn lực để ứng dụng khoa học công nghệ và phương thức sản xuất mới tăng năng suất, chất lượng cao. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông chưa đồng bộ, kết nối; đời sống nhân dân ở vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh cái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất và hiệu quả. Trong đó: Tích cực thực hiện đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, góp phần tạo sự tăng trưởng ổn định, bền vững trong giai đoạn tới, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
 

 Lê Chung


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục