Hàng Việt Nam đi khắp thế giới
Những chỉ tiêu được Thủ tướng giao như trên xuất phát từ kết quả mà ngành công thương đã đạt được trong năm 2019, đóng góp vào mức tăng trưởng trên 7% và lạm phát dưới 3%.
Trong đó, động lực chính là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng trên 10,5%, tổng quy mô xuất nhập khẩu lên tới 517 tỉ USD, kỷ lục chưa từng có, duy trì xuất siêu 10 tỉ USD.
Tại hội nghị, ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải - cho biết hôm nay 28-12, Thaco tiến hành lễ bàn giao xe Thaco Bus thương hiệu Việt Nam sang Philippines - kết quả 3 năm công ty nghiên cứu khảo sát thị trường để thiết kế và phát triển sản phẩm theo yêu cầu khách hàng, vượt qua được các rào cản kỹ thuật và thủ tục đăng kiểm của nước bạn.
Đây cũng là kết quả của chính sách mà Thaco kiên trì theo đuổi, đó là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ôtô quốc tế sản xuất tại Việt Nam, xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Trong năm 2019, Thaco đã xuất khẩu được 186 xe đến 5 nước ASEAN, cùng 14,5 triệu USD linh kiện phụ tùng, làm tiền đề để năm 2020 sẽ xuất khẩu hơn 1.000 xe các loại, 21 triệu USD linh kiện.
Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết quy hoạch đặt ra ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD nay đã không còn phù hợp, bởi năm 2019 toàn ngành đã đạt kim ngạch gấp đôi với 39 tỉ USD.
Dệt may cũng là ngành duy trì mức xuất siêu với 17 tỉ USD, tạo việc làm cho trên 3 triệu lao động. "Tại các thị trường như Úc, New Zealand, Canada, khách hàng đều quay sang Việt Nam mua hàng" - ông Giang cho hay.
Sự phát triển của những ngành công nghiệp quan trọng đã giúp cho ngành chế biến chế tạo lần đầu tiên đạt được mức xuất siêu gần 100 triệu USD. Ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp - cho rằng con số tuy nhỏ nhưng so với hàng tỉ USD nhập siêu trước đây, đó là tín hiệu đáng mừng. Bởi trong 46 nhóm mặt hàng, chế biến chế tạo đóng góp 29 mặt hàng kim ngạch trên 1 tỉ USD và 5 nhóm trên 10 tỉ USD đều là ngành chế biến chế tạo, với nhiều ngành có kim ngạch xuất siêu lớn như điện thoại và các loại linh kiện (35 tỉ USD), các mặt hàng dệt may, da giày (33,8 tỉ USD), gỗ và các sản phẩm từ gỗ (7,2 tỉ USD)...
Đã tốt phải làm tốt hơn
Mặc dù đạt được kết quả như vậy, song Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vẫn nhìn nhận còn nhiều nút thắt phải tháo gỡ trong hoạt động phát triển ngành công thương.
Đó là tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp diễn ra chậm, chưa hình thành được ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Liên kết và hợp tác trong cùng một ngành, giữa các ngành còn chưa phát triển. Đặc biệt liên kết doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI chậm khắc phục, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn còn hạn chế.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Tuấn Anh nhìn nhận mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng, đặc biệt khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang phát triển phức tạp, đặt ra yêu cầu tăng cường năng lực cạnh trạnh gắn với tái cơ cấu nền công nghiệp.
Từ đó, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần tạo chuyển biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất, công nghiệp, thương mại. Khai thác tốt các hiệp định thương mại, tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh, điều kiện đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang cho biết do những tác động của môi trường, nhiều địa phương không mặn mà thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành, gây ách tắc lớn. Do đó, nếu không có quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch để xử lý nước thải, bù đắp nguồn cung thiếu hụt, thì những FTA mà Việt Nam đã vất vả ký theo ông Giang sẽ khó có thể tận dụng được. Việc thiếu quy hoạch cũng khiến cho nhiều địa phương tự cấp giấy phép đầu tư, không có chiến lược xuyên suốt nên nhiều vùng chồng chất nhà máy may, gây nên sự cạnh tranh lao động rất quyết liệt.
Không quay lưng, chối bỏ công nghiệp
Lắng nghe đầy đủ các ý kiến trong hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành công thương cần chú trọng chính sách phát triển công nghiệp, và yêu cầu địa phương hưởng ứng, không được chối bỏ phát triển công nghiệp. Cần đi đầu trong giải quyết quy hoạch, không vì quy hoạch mà ách tắc, cản trở phát triển, có biện pháp để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ như mặt bằng, nhân lực.
Theo đó, Thủ tướng đưa ra một số lưu ý cho ngành, đó là cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tăng năng suất, hiệu quả, sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường. Trong đó, bộ cần bám sát định hướng chính sách phát triển công nghiệp, tái cơ cấu mạnh mẽ, xây dựng quy hoạch phát triển các ngành trong 10 năm tới trên cơ sở nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng suất nội ngành, giảm phụ thuộc vào tài nguyên, và cần phải lấy chế biến, sáng tạo, công nghệ làm nền tảng.
Thủ tướng nhấn mạnh ngành cần phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo để nâng cao sức cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp. Theo đó, cần phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân, có cơ chế thu hút các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam.
Tận dụng có hiệu quả các FTA, phổ biến cam kết hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả chính sách phòng vệ thương mại, chống gian lận, duy trì mức dương trong kim ngạch xuất nhập khẩu, không để mất thị trường bán lẻ, đảm bảo cung cầu, xây dựng thương hiệu hàng hóa, cắt giảm chi phí logistics, đào tạo nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu...
Theo Báo Tuỏi Trẻ