Do nguồn cung đã tăng thêm nhờ đẩy mạnh tái đàn, cộng với lượng thịt nhập khẩu tăng, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, dự kiến sẽ kéo xuống khoảng 60.000-70.000 đồng/kg vào tháng 4, tháng 5.
Nhân viên Thú y kiểm tra, lấy mẫu kiểm dịch sản phẩm thịt lợn tại dây chuyền giết mổ lợn ở nhà máy của Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, huyện Thường Tín. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, dự kiến sẽ kéo xuống tầm khoảng 60.000-70.000 đồng/kg vào tháng 4, tháng 5.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện nguồn cung đã tăng thêm nhờ đẩy mạnh tái đàn, kiểm soát dịch bệnh trong nước tốt cộng với lượng thịt nhập khẩu tăng; trong khi đó sau Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm không cao, nên cung-cầu gặp nhau giá lợn sẽ đi xuống.
Theo Cục Thú y, tổng số liệu tổng hợp từ các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục, số lượng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ các nước trong tháng 1/2020 là trên 10.100 tấn.
Cụ thể, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu hơn 4.500 tấn, sản lượng nhập có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò, nhập khẩu hơn 1.900 tấn; thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm trên 3.600 tấn, thịt dê cừu và sản phẩm thịt dê cừu hơn 2 tấn; các sản phẩm thịt này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường, từ sau Tết Nguyên đán, do nhu cầu tiêu dùng giảm đi cùng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm với số lượng lớn, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo người chăn nuôi và doanh nghiệp, giá lợn có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định.
Theo đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP Group), sau cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá diễn ra ngày 31/1, Công ty đã giảm giá bán lợn thương phẩm 1.500 đồng/kg, còn 80.500 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các khách hàng từ ngày 1/2.
Trước ngày 1/2, Công ty bán giá lợn thịt là 82.000 đồng/kg; trong khi ngoài thị trường giá bán dao động 82.000-85.000 đồng/kg. Giá lợn thịt hiện trên thị trường đã có sự giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức khoảng 83.000-84.000đồng/kg. Như vậy, giá lợn của công ty vẫn luôn thấp hơn giá thị trường.
Nguồn cung của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam vẫn đều đặn với khoảng trên 500.000 con/ngày (tương đương khoảng 16.000-17.000 con/ngày). Theo doanh nghiệp này, sau Tết thường sẽ chưa có mặt bằng giá ngay, thường phải sau rằm hoặc sau ngày 20 tháng Giêng âm lịch mới hình thành mặt bằng giá.
So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng lợn xuất chuồng của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có tăng khoảng 5%. Trong thời gian tới, Công ty cũng tiếp tục có sự tăng dần, từ nay đến cuối năm có thể tăng từ 5-10%.
"Đây là kế hoạch tăng sản lượng đã có từ nhiều năm trước bởi khi tăng đàn, người chăn nuôi phải đầu tư trang trại, lợn nái và cần thời gian nhất định mới có thêm được sản lượng,” đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Theo doanh nghiệp này, muốn tái đàn, thường mất từ 1-1,5 năm. Không phải cứ tái đàn là có sản phẩm ngay. Người chăn nuôi thường tái đàn và có sự đầu tư từ khâu lợn nái giống, rồi còn thời gian cho đến có sản phẩm thương phẩm. Trừ khi là nhập khẩu con giống để sản xuất thương phẩm, nguồn cung trong nước mới có thể tăng ngay được.
Về giá thịt lợn, theo ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc thương mại miền Meat Deli cho biết, giá của công ty hiện vẫn giữ nguyên so với trước Tết. Trước Tết, Công ty cũng có chương trình hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách giảm giá 10% cho khách hàng. Hiện chương trình hỗ trợ khách hàng đã kết thúc. Việc giảm giá bán thịt lợn hiện công ty chưa có kế hoạch.
"Giá thịt trên thị trường thường xuyên biến động. Giá thịt lợn của Công ty bán ra thường được xây dựng định vị theo sản phẩm của mình, không thể tăng hay giảm ngay lập tức,” ông Phạm Quang Hiền cho biết.
Tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) ngày 4/2, giá thịt lợn của Meat Deli ở mức 214.900 đồng/kg thịt rọi, bắp giò không xương 199.900 đồng/kg, nạc đùi 168.900 đồng/kg, nạc thăn 129.900 đồng/kg, sườn thăn 239.900 đồng/kg...
Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi tại Hợp tác xã chăn nuôi nông nghiệp Đức Thắng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ở địa phương, ông Trần Quốc Toản, Khoái Châu, Hưng Yên, một trang trại có quy mô khăn nuôi khá lớn, cho biết giá lợn thịt đang có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng ít đi sau dịp Tết cũng như do dịch viêm đường hô hấp cấp virus corona nên người tiêu dùng ít đi chợ.
Hiện giá lợn hơi trên khu vực của ông đang ở mức khoảng 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều trại lớn khác không có lợn để bán vì hầu hết đã bán trước Tết với giá khoảng 86.000 đồng/kg.
Hiện nay, ông Toản có khoảng 5.000 con lợn thương phẩm và lợn nái, tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 10/2019. Ông có một số đàn có thể tạm xuất bán nhưng với giá hiện nay theo ông chưa phải là giá tốt nên ông cũng chưa xuất bán.
Theo ông Toản, nếu giá lợn xuống thấp quá sẽ khó khuyến khích được người dân tái đàn. Bởi hiện nay giá lợn giống đã vào khoảng 2,6 triệu đồng/con (khoảng 7kg). Chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học cũng tăng đáng kể.
Người chăn nuôi có lãi nhưng nếu việc thu hồi vốn quá dài cũng khó khuyến khích được họ tái đàn, đó là còn chưa kể những rủi ro trong chăn nuôi đang rất cao./.
TTXVN/Vietnam+