Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh tỉnh hiện đạt dư nợ trên 1.200 tỷ đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc NHNN tỉnh Vũ Thị Song Nguyệt cho biết: NHNN tỉnh luôn sát sao chỉ đạo các TCTD thực hiện kế hoạch kinh doanh được Hội sở chính giao phù hợp với các giải pháp điều hành hoạt động NH của Chính phủ và NHNN. Việc tiếp cận và vay vốn của khách hàng được tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc thường xuyên kết nối trực tiếp giữa NH và doanh nghiệp (DN), thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh.
Trong năm 2019, NHNN tỉnh đã kịp thời vào cuộc nắm bắt tình hình dịch tả lợn châu Phi, triển khai chỉ đạo của T.Ư về hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh và rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vay vốn. Chú trọng mở rộng tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian cũng như chất lượng thanh toán. Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững. Đồng thời tổ chức trên 100 cuộc đối thoại trực tiếp với DN để kịp thời nắm bắt nhu cầu và tìm hướng tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn đầu tư.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành của NHNN tỉnh, các TCTD trên địa bàn không phát sinh sử dụng lãi suất cao để lôi kéo khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh. Chấp hành nghiêm túc quy định về trần lãi suất huy động có tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và quy định về trần lãi suất cho vay đối với 5 nhóm đối tượng ưu tiên… Bên cạnh đó, các TCTD tăng cường đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh. Tạo điều kiện giúp các DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng. Khuyến khích các TCTD mở rộng thị trường, thành lập các điểm giao dịch về vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch tín dụng của người dân.
Tính đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trong tỉnh đạt 26.535 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2018. Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 22.968 tỷ đồng, tăng 9,1% (1.920 tỷ đồng) so với năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 42,1% tổng dư nợ, dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 57,9% tổng dư nợ. Các NH, TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại đều có dư nợ tăng. Điển hình như NH Thương mại CP Đầu tư và phát triển dư nợ tăng 13,8%, NH Thương mại CP Công thương tăng 8,2%, NH Thương mại CP Quân đội tăng 17%, NH Thương mại CP Bưu điện Liên Việt tăng 7,3%, NH Thương mại CP VPBank tăng 1,8%... Trong năm, nợ xấu nội bảng toàn địa bàn 258 tỷ đồng, chiếm 1,12% tổng dư nợ, giảm 157 tỷ đồng so với năm 2018.
Các NH, TCTD đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, quan tâm đầu tư vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời tích cực triển khai cho vay các chương trình ưu đãi tín dụng, cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội và cho vay các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Theo đó, cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 14.250 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 62% tổng dư nợ, tăng 9,7% so với năm trước. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 20% tổng dư nợ. Tuy nhiên, cho vay hỗ trợ công nghiệp, xuất khẩu dư nợ còn thấp.
Năm 2020, NNHN tỉnh phấn đấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng 16% trở lên. Dư nợ tín dụng tăng 14% và được báo cáo điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của ngành và địa phương. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.
Để đạt được mục tiêu, NHNN tỉnh chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động NH của T.Ư, của tỉnh để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Theo dõi, nắm bắt, đề xuất xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập của cơ chế, chính sách để báo cáo, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các NH, TCTD thực hiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với nhiệm vụ phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng. Cân đối vốn để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối NH - DN để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH theo đúng quy định của pháp luật...