(HBĐT) - Tại một số địa phương ghi nhận các đối tượng đã phát sinh, đang bắt đầu gây hại trên cây ăn quả có múi như: rệp, bọ trĩ, nhện nhỏ, bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa… Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã ban hành các văn bản khuyến cáo, chỉ đạo Trạm TT&BVTV các huyện, thành phố kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ đối tượng gây hại cho cây trồng.



Nông dân xã Thu Phong (Cao Phong) cắt cỏ quanh gốc cây, hạn chế khả năng phát sinh dịch bệnh trên cây trồng.

Anh Đỗ Anh Tuấn, hộ thành viên HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) cho biết: Vài tuần gần đây, trên diện tích cây cam đang ra hoa, đậu quả nhỏ của gia đình bắt đầu xuất hiện nhện đỏ gây hại. Chúng sinh sống,gây hại ở mặt dưới lá, ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây. Nếu không xử lý kịp thời để đến khi nhện hại nặng, mật độ cao, cả cành non cũng dần bị khô và chết. Vì vậy, ngay khi phát hiện đối tượng gây hại, tôi đã chủ động phòng trừ bằng cách tưới phun sương thường xuyên, để cây có dư nhựa cung cấp phần nào nhựa bị mất do nhện đỏ hút. Đồng thời, sử dụng những nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ như gừng, ớt, tỏi, thuốc lào ngâm với rượu, sau đó pha với nước theo nồng độ phù hợp với mức độ phát triển của quả để phun diệt nhện.

Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV: Tại khu vực các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, nhện nhỏ xuất hiện với tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá,có nơi tỷ lệ cao 5 - 7% số lá. Bệnh sẹo (ghẻ nhám) tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá; cao 5 - 7% số lá(tập trung ở các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy); Sâu vẽ bùa tỷ lệ phổ biến 1 - 2% số lá, cao 8 - 12% số lá,xuất hiện chủ yếu ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn. Bệnh greening gây hại cục bộ ở các huyện Lạc Thủy, Cao Phong, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 2% số cây, cao 9 - 11% số cây. Rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ tiếp tục xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương. Rầy chổng cánh, sâu đục cành, sâu nhớt, bệnh thán thư, bệnh muội đen...gây hại rải rác. Dự báo thời gian tới, các đối tượng, dịch bệnh này tiếp tục gây hại mạnh trên cây có múi giai đoạn phát triển thân lá,ra hoa,đậu quả, phát triển quả.

Để kịp thời xử lý các đối tượng gây hại trên cây có múi, đảm bảo chất lượng quả cũng như sự sinh trưởng của cây trồng, Chi cục TT&BVTV đã ban hành các văn bản khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp phòng trừ đối với các đối tượng dịch hại. Theo đó, đối với cây ăn quả có múi, các địa phương cần tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh giai đoạn ra hoa, đậu quả, tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Đối với bệnh greening gây hại với tỷ lệ cao 9-11% số lá, để phòng dịch bệnh, các địa phương khuyến cáo nông dân không sử dụng cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cây giống trồng phải là cây sạch bệnh. Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sự gây hại của bệnh, đốn bỏ cây bệnh để loại bỏ mầm bệnh trong vườn, khử trùng các dụng cụ cắt tỉa trước khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh sự lây nhiễm.

Ngoài ra, Chi cục lưu ý có thể sử dụng một số thuốc để phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây có múi: Đối với rầy, rệp: Citrole 96.3EC; Movento 150OD; Limater 7.5EC; đối với nhện nhỏ: Abagold 38EC; Abamine 3.6EC; đối với bệnh ghẻ sẹo: Zineb Bul 80WP, Kumulus 80WG; Zineb Bul 80WP... Sử dụng thuốc theo hướng dẫn in trên bao bì, hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Tiếp tục duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng.


Thu Hằng


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục