(HBĐT) - Năm 2020, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) được HĐND tỉnh giao là 5.000 tỷ đồng, tăng 558,5 tỷ đồng, bằng 113% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; tăng 1.190 tỷ đồng, bằng 131% so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2019; tăng 1.363 tỷ đồng, bằng 137% so với thực hiện năm 2019. Con số 5.000 tỷ đồng cũng là mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.


Tình trạng thiếu nước kéo dài khiến sản lượng điện của Công ty Thủy điện Hòa Bình sụt giảm mạnh, đây cũng là nguyên nhân chính khiến số thu NSNN của tỉnh đạt thấp trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo đánh giá của ngành Thuế, trong 6 tháng đầu năm, việc thu NSNN, ngân sách địa phương có những thuận lợi nhất định, như: thu lệ phí trước bạ đạt khá do các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô có nhiều ưu đãi hấp dẫn, giảm giá xe để kích cầu tiêu dùng. Thu thuế thu nhập cá nhân thuận lợi, do đối tượng nộp thuế thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế, quyết toán, khấu trừ thuế. Được bổ sung nguồn lực tăng thêm 150 tỷ đồng cho Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất để các đơn vị vay giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng bán thu tiền sử dụng đất (SDĐ).

Tuy vậy, việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN đã và đang gặp nhiều khó khăn, dự báo rất khó đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân được cho do giá tính thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất thủy điện năm 2020 giảm so với năm 2019 là 10,73 đồng/kWh (từ 603,73 đồng xuống 590 đồng/kWh), tương đương với số thuế giảm khoảng 13 tỷ đồng. Tình trạng thiếu nước kéo dài từ năm 2019 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất điện. Ước sản lượng điện trong 6 tháng đầu năm của Công ty Thủy điện Hòa Bình chỉ đạt hơn 2 tỷ kWh, bằng 18% so với kế hoạch giao cả năm, giảm 2,5 tỷ kWh so với cùng kỳ, tương ứng số tiền giảm so với cùng kỳ khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của đồng chí Bùi Văn Đức, Giám đốc Sở Tài chính, thời gian qua, khoản thu tiền SDĐ thực hiện còn thấp do triển khai các dự án chậm. Số thu ước thực hiện là thu nợ của các dự án từ năm 2019 chuyển sang, các dự án triển khai của năm 2020 chưa phát sinh số nộp... Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động SX-KD trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 15, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 28/3 tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Do đó, doanh thu tính thuế của tổ chức, cá nhân thuộc diện phải tạm đình chỉ giảm mạnh.

Một trong những khó khăn lớn đối với thu ngân sách của tỉnh là số tiền nợ thuế lớn. Tính đến ngày 30/4/2020, tổng số tiền thuế nợ lên tới 771 tỷ đồng, chiếm 15% dự toán giao (so với thời điểm 31/12/2019 tăng 326 tỷ đồng, tương ứng tăng 73%). Số nợ thuế tăng cao chủ yếu từ tiền SDĐ tăng 246 tỷ đồng, tiền chậm nộp tăng 30 tỷ đồng… trong đó, nợ khó thu 206 tỷ đồng, nợ có khả năng thu 565 tỷ đồng.

Từ những khó khăn, trở ngại nên 6 tháng đầu năm nay, thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện đạt 1.643,7 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.532,2 tỷ đồng, bằng 36% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 32% nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất nhập khẩu ước đạt 111,5 tỷ đồng, bằng 62% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 51% nghị quyết HĐND tỉnh.

So với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao, có 10/18 khoản thu ước thực hiện trong 6 tháng chưa đạt mức trung bình 50%, gồm: thu từ DN Nhà nước do T.Ư quản lý; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thuế SDĐ phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; thu tiền SDĐ; tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.

Từ thực tế này cho thấy, để hoàn thành mục tiêu thu NSNN 5.000 tỷ đồng là áp lực rất lớn. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm hết sức nặng nề, bởi số phải thực hiện so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh khoảng hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó, riêng thu tiền SDĐ là 1.437 tỷ đồng. Để phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào "Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, nộp NSNN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức, vận động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020.

Bên cạnh đó, nhằm phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực khác để bù đắp các khoản có thể hụt thu, tập trung vào thu tiền SDĐ, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi tiến độ thu NSNN, trường hợp có biến động lớn, vượt quá khả năng xử lý tham mưu báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy, HĐND tỉnh điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính đề nghị ngân sách T.Ư xem xét hỗ trợ. Tăng cường công tác quản lý thu và thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo cơ quan thuế, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác quản lý thuế trên địa bàn, phân tích, dự báo, phát hiện, đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm ảnh hưởng tăng, giảm nguồn thu…

UBND tỉnh cũng chỉ đạo, chú trọng việc thanh, kiểm tra thuế, kết hợp thanh, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Tăng cường công tác quản lý DN, tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư nhưng không thực hiện đầu tư và đưa dự án vào hoạt động, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Rà soát, đánh giá tình hình hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, kiên quyết xử lý tạm dừng, đình chỉ thu hồi giấy phép khai thác đối với các dự án khai thác kinh doanh không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không chấp hành nghĩa vụ thuế… Tập trung thực hiện khai thác các khoản thu từ đất nhằm hoàn thành dự toán thu tiền SDĐ năm 2020 và có thể bù hụt cho các khoản thu khác…

Hoàng Nga

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục