(HBĐT) - Mạnh dạn xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, cung cấp thiết bị, vật tư nông nghiệp; tổ chức đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao KH-KT; hỗ trợ hội viên thành lập HTX, tổ hợp tác; tư vấn, trợ giúp pháp lý... là những cách làm đã, đang được Hội Nông dân (HND) huyện Lạc Thủy triển khai có hiệu quả để hỗ trợ nông dân. Qua đó, góp phần giúp hội viên phát huy thế mạnh của địa phương vươn lên làm giàu.
Ông Đinh Thế Lịch, thôn Ngai Long, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đầu tư trồng cây ăn quả có múi, phát triển trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch HND huyện cho biết: HND huyện có 11.089 hội viên, sinh hoạt tại 112 chi hội, 10 cơ sở Hội. Những năm qua, các cấp HND huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế. Trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội. Chú trọng nâng cao chất lượng phong trào thông qua tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sản xuất theo chuỗi, theo hướng hàng hóa, áp dụng KH-KT… đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Trồng cây ăn quả có múi, trồng na, chăn nuôi gà, trâu, bò sinh sản…, với nhiều tấm gương nông dân điển hình: Phạm Văn Xuân (xã Phú Thành), Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Tuấn, Đào Hồng Phú, Huỳnh Thị Phương, Ứng Thị Hồng (thị trấn Ba Hàng Đồi); Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Ngọc (thị trấn Chi Nê)…
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện đang quản lý 5.035,88 triệu đồng, gồm: Nguồn T.Ư Hội 2.900 triệu đồng, nguồn ngân sách tỉnh 670 triệu đồng, ngân sách huyện 475 triệu đồng, quỹ vận động từ hội viên 850,88 triệu đồng, nguồn mượn 140 triệu đồng. Phối hợp với Ngân hàng CSXH tín chấp 73,424 tỷ đồng, thông qua 55 tổ vay vốn, cho 1.900 thành viên vay; phối hợp với Ngân hàng NN& PTNT tín chấp 245,171 tỷ đồng, thông qua 112 tổ, cho 1.895 hộ vay. Phối hợp với LienVietPosBank chi nhánh Lạc Thủy thông qua 5 tổ vay vốn cho 34 hộ vay 2,6 tỷ đồng.
Không chỉ tạo điều kiện giúp hội viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, HND huyện chủ động phối hợp HND tỉnh, ngành NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức lớp tập huấn chuyển giao KH-KT cho hội viên. Trong năm 2020, HND huyện đã phối hợp tổ chức 2 lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho 63 hội viên tại thị trấn Chi Nê và xã Phú Thành; 8 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ cho 220 hội viên và 61 cuộc chuyển giao KHKT cho 3.965 hội viên các xã, thị trấn; xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng na tại xã Đồng Tâm với 12 hộ tham gia; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa chuột bao tử vụ xuân năm 2020, diện tích trên 3,9 ha tại các xã: Khoan Dụ, Thống Nhất, Hưng Thi, Phú Nghĩa; phối hợp Công ty CP Lạc Thủy tổ chức tư vấn, đào tạo, giới thiệu nghề cho 20 hội viên trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ nông dân có việc làm sau đào tạo 85%; thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Với hỗ trợ của HND huyện cùng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân đã giúp nhiều hội viên nông dân Lạc Thủy trở thành những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của huyện. Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Đinh Thế Lịch, thôn Ngai Long, thị trấn Chi Nê mỗi năm thu hơn 700 triệu đồng. Ông Lịch phấn khởi: Gia đình tôi có được cơ ngơi như hôm nay là nhờ hỗ trợ của HND các cấp. Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao KHKT; cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây ăn quả có múi, phương pháp trồng an toàn do HND các cấp tổ chức. Từ kiến thức học được tôi áp dụng vào thực tế để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Với diện tích 2 ha, gia đình tôi trồng 200 cây cam lòng vàng, 1.500 cây cam đường canh, 1 ha trồng chè, kết hợp nuôi gà, vịt. Mô hình cho thu nhập trên 700 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 5 - 10 lao động thường xuyên; 10 - 15 lao động thời vụ, mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/lao động/tháng.
Thu Thủy