(HBĐT) - Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, góp phần tăng tỷ trọng và giá trị trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng gặp những rủi ro do biến động của thị trường, đặc biệt một số dịch bệnh nguy hiểm vẫn bùng phát. Thế nhưng, công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) cho vật nuôi còn nhiều bất cập.

Chăn nuôi là nghề đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh chụp tại xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn).

Phát triển chăn nuôi từ lâu đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân trong tỉnh. Để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển chăn nuôi. Nổi bật là HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81-NQ/HĐND, ngày 8/12/2017 thông qua Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025. Với "kim chỉ nam” đó, những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ theo đúng quy hoạch của tỉnh. Minh chứng là ngày càng nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô gia trại, trang trại. Nhờ đó, giá trị ngành chăn nuôi ngày càng gia tăng, đến hết năm 2021, ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng.

Kiến thức, ý thức trong phòng, chống dịch bệnh

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại đang là sự chuyển dịch tích cực đúng theo quy hoạch ở các địa phương. Với hệ thống chuồng trại được đầu tư quy mô, khoa học, các trang trại, gia trại thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ sở chăn nuôi tập trung hầu như "miễn nhiễm” với các loại dịch bệnh do tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Tuy vậy, chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 70% cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh, đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân. Đồng chí Trần Tiến Trường, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh cho biết, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi chậm, chưa đồng bộ. Mặc dù con trâu, con bò hay vật nuôi khác là tài sản lớn, nhưng một bộ phận người chăn nuôi vẫn chủ quan, lơ là trong công tác PCDB; một số xã vùng sâu, vùng xa còn hiện tượng thả rông gia súc, chưa có sự quản lý, chăm sóc.

Đó là thực trạng đáng quan ngại, là yếu tố đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô nông hộ. Thực tế những năm qua, một số dịch bệnh như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), viêm da nổi cục trên trâu, bò, cúm gia cầm vẫn xảy ra, nguy cơ bùng phát cao trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. DTLCP đã bùng phát, thường xuyên tái bùng phát suốt mấy năm trở lại đây đã gây thiệt hại nặng nề đối với hộ chăn nuôi. Năm 2020, trên 5 nghìn con lợn phải tiêu hủy; năm 2021, DTLCP cũng xảy ra ở nhiều địa phương, với trên 4 nghìn con lợn phải tiêu hủy. Tuy là bệnh chưa có vắc xin điều trị nhưng theo lãnh đạo Chi cục CN&TY, người dân hoàn toàn có thể phòng bệnh nếu thực hiện theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng. Như tuân thủ việc tiêu hủy lợn mắc bệnh, thực hiện các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tuân thủ thời gian về tái đàn, khâu chọn con giống, đảm bảo vệ sinh chuồng trại...

Dù đã được khuyến cáo nhưng hiện nay, điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ còn hạn chế. Trong đó, ở vùng sâu, vùng xa, chuồng trại chăn nuôi của bà con sơ sài. Tháng 6/2020, DTLCP xảy ra tại 6 xã trên địa bàn huyện Đà Bắc, trong đó có xã Vầy Nưa. Qua ghi nhận thực tế tại xóm Thín (xã Vầy Nưa), có thể thấy chuồng trại chăn nuôi của người dân khá tạm bợ, nhiều hộ làm chuồng nuôi lợn có mái thấp, không thoáng gió. Đáng lưu ý, khi xảy ra dịch bệnh, việc xả chất thải chảy từ hộ trên xuống hộ phía dưới vẫn phổ biến, nguy cơ lây dịch bệnh cao. Còn những hộ chỉ buộc trâu dưới tán cây. Tháng cuối cùng của năm 2021, chúng tôi trở lại Vầy Nưa khi thời tiết đã chuyển rét, nhưng nhiều hộ vẫn thả gia súc, chuồng trại chăn nuôi chưa cải thiện. Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Bàn Văn Khánh cho biết, nhiều người dân chưa có ý thức trong PCDB cũng như phòng, chống đói, rét cho gia súc. Chưa chú trọng xây dựng chuồng trại đảm bảo, còn lơ là trong công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Gần đây nhất, huyện Mai Châu là 1 trong 2 địa phương DTLCP bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ thiệt hại nặng nề. Qua ghi nhận thực tế tại một số hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy thuộc xã Mai Hạ, Vạn Mai cho thấy, thực tế điều kiện chăn nuôi của bà con còn hạn chế. Chuồng trại chật chội, không đảm bảo vệ sinh, một số hộ nuôi xen lẫn với các vật nuôi khác. Ngoài ra, bà con thiếu kiến thức về công tác PCDB cho đàn vật nuôi. Gia đình anh Phạm Đình Tuấn là hộ chăn nuôi lâu năm với số lượng lớn ở xóm Tiền Phong, xã Mai Hạ. Những năm trước, đàn lợn của gia đình anh an toàn dù nhiều hộ có lợn bị mắc bệnh. Tuy nhiên, đợt dịch cuối năm 2021, anh thiệt hại khoảng 200 triệu đồng khi 50 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy.

Anh Tuấn chia sẻ, mặc dù thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhưng anh còn thiếu nhiều kiến thức về chăn nuôi, khá mơ hồ về khái niệm "đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi”. Do đó, anh mong muốn được các cấp chính quyền, ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, kiến thức về PCDB cho người dân. Bởi, chỉ cần một lứa lợn bị thiệt hại là nhà nông sẽ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Tại buổi toạ đàm về "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCDB trên gia súc, gia cầm trong mùa đông" tổ chức vào tháng 10/2021 tại huyện Mai Châu, đã có nhiều ý kiến về những khó khăn trong công tác PCDB trên đàn vật nuôi.

Như ý kiến của Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Châu Hà Ngọc Lương cho rằng, người chăn nuôi trên địa bàn huyện còn chủ quan, lơ là, không tiêm vắc xin cho vật nuôi; vẫn phổ biến tình trạng thả rông gia súc trong ngày giá rét, chuồng trại không được che chắn đảm bảo. Bên cạnh đó, ở một số xã, công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh rất hạn chế. Nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh. Việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật; việc tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chống dịch.

Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết thêm: Công tác PCDB cho đàn vật nuôi gặp nhiều khó khăn sau sáp nhập các trạm CN&TY ở các huyện, thành phố thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Theo đó, chức năng quản lý Nhà nước về ngành CN&TY được giao về phòng NN&PTNT các huyện. Sau sáp nhập nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực CN&TY. Càng khó khăn hơn khi xảy ra tình trạng nhiều cán bộ thú y xã nghỉ việc, điều này khiến ngành CN&TY mất "chân rết” ở cơ sở.

Từ thực trạng này gây nhiều bất cập trong việc cập nhật thông tin về dịch bệnh tại các địa phương, dẫn tới việc triển khai dập dịch chậm, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, sản phẩm động vật lưu thông tại địa bàn chưa được kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, dịch bệnh động vật bùng phát cao.

Đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY nhấn mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh có vai trò rất quan trọng, giúp người chăn nuôi tránh được rủi ro. Theo đó, khâu phòng bệnh là quan trọng hơn cả. Để phòng bệnh thì chuồng trại phải được vệ sinh đảm bảo, con giống nhập về được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn tỉnh đạt thấp, năm 2021, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò chỉ đạt hơn 30% tổng đàn. Hay gần đây xuất hiện dịch bệnh mới là viêm da nổi cục trên trâu, bò. Mặc dù là bệnh nguy hiểm nhưng người chăn nuôi chưa quan tâm đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi.

Trước thực tế đó, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho rằng: Để nâng cao hiệu quả công tác PCDB cần kiện toàn lại hệ thống thú y các cấp. Điều này giúp ngành chức năng nắm bắt kịp thời thông tin tình hình dịch bệnh từ cơ sở để triển khai biện pháp xử lý, giảm thiệt hại và nguy cơ lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vào cuộc cùng người dân trong PCDB cho đàn vật nuôi. Đặc biệt, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức PCDB cho đàn vật nuôi bằng cách thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh hơn.

Viết Đào


NHÓM Ý KIẾN

* Đảm bảo đủ thức ăn, dinh dưỡng để trâu, bò phát triển tốt

Trên địa bàn xã có nhiều đồi núi, rất thuận lợi cho chăn thả gia súc nên hàng chục năm nay, chúng tôi đã duy trì phát triển chăn nuôi trâu, bò. Những năm trở lại đây, bãi chăn thả bị thu hẹp nên phải chuyển sang nuôi nhốt, bán chăn thả. So với nuôi thả rông thì khi nuôi nhốt, trâu bò lớn nhanh, béo tốt hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo đầy đủ thức ăn cho trâu bò, do đó, gia đình tôi đã chuyển nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi.

Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng cũng hết sức quan trọng, giúp vật nuôi tránh các loại dịch bệnh. Ngoài thực hiện tiêm phòng đầy đủ, gia đình tôi còn tiêm bổ sung các loại thuốc bổ cho vật nuôi. Đặc biệt, trong thời điểm mùa đông trên địa bàn thường xuyên có mây mù, sương muối nên phải che chắn chuồng trại cẩn thận, nhiều hôm phải đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi. Nhờ dự trữ được rơm rạ và trồng được cỏ nên gia đình luôn cung cấp đầy đủ thức ăn cho trâu, bò. Trong những ngày rét đậm, chúng tôi đun nước ấm cho trâu, bò uống.

 

Bùi Văn Uân

Xóm Tằm Bát, xã Phú Cường (Tân Lạc) 


* Sớm hỗ trợ các hộ bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi

Nhiều năm qua, gia đình tôi duy trì chăn nuôi lợn, đây là vật nuôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương. Nhờ chăn nuôi lợn mà gia đình tôi đã cải thiện, nâng cao được thu nhập. Tuy nhiên, những năm qua, chăn nuôi lợn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá cả thường xuyên biến động do ảnh hưởng của thị trường. Đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) thường xuyên bùng phát khiến nhiều hộ bị thiệt hại nặng nề. Đầu tháng 7/2021, đàn lợn 35 con của gia đình tôi mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gây thiệt hại rất lớn, gia đình tôi phải nợ tiền cám.

Thời gian qua, sau khi đàn lợn bị DTLCP, gia đình tôi đã tuân thủ các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế. Do đó, rất mong được ngành chức năng hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đặc biệt là sớm hỗ trợ các hộ bị thiệt hại do DTLCP để chúng tôi có điều kiện khôi phục sản xuất.

Hà Thị Bin

Xóm Nghẹ, xã Vạn Mai (Mai Châu)

Các tin khác


Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lạc Sơn có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay toàn huyện có 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục