(HBĐT) - Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cán bộ, hội viên, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phong Phú (Tân Lạc) đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân hội viên CCB đạt 66 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm gần 60%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 8,8%. Nhiều mô hình kinh tế của CCB làm chủ đã giải quyết nguồn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.


Lãnh đạo, cán bộ, hội viên cựu chiến binh huyện Tân Lạc và xã Phong Phú chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế.

Hộ ông Đào Văn Lân, xóm An Phú là hội viên CCB tiêu biểu trong mô hình phát triển chăn nuôi lợn. Với nhiều năm kinh nghiệm, hiện diện tích chuồng nuôi của gia đình ông Lân mở rộng quy mô gần 200 m2 được xây dựng kiên cố. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn lợn. Ngoài ra, gia đình làm thêm nghề đậu phụ, nấu rượu với mong muốn nâng cao thu nhập. Tổng thu nhập của gia đình đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Lân chia sẻ: "Phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế thời bình, nhiều năm qua, chăn nuôi lợn là mô hình kinh tế chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, năm 2021 giá lợn xuống thấp còn khoảng 50.000 đồng/kg, trong khi giá năm 2020 đạt đến 80.000 đồng/kg. Thực tế đó đã gây khó khăn cho các hộ phát triển chăn nuôi do giá thị trường bấp bênh, sụt giảm nghiêm trọng. Để tiết kiệm nguồn kinh phí thức chăn ăn chăn nuôi, gia đình tận dụng bã đậu, bỗng rượu để làm nguồn thức ăn cho đàn lợn. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp phối hợp với ngành chăn nuôi có nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn. Qua đó tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, thu nhập ổn định”.

Hội CCB xã Phong Phú có 578 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Là xã trung tâm của vùng Mường Bi, dân cư sinh sống tập trung, có tuyến quốc lộ 6 chạy qua địa bàn… Đó là những tiềm năng, lợi thế để cán bộ, hội viên CCB tận dụng cơ hội phát triển các mô hình trồng cây có múi, cây ăn quả, chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh dịch vụ thương mại… Theo rà soát, toàn xã có gần 300 mô hình CCB làm kinh tế giỏi; 14 trang trại, gia trại phát triển hiệu quả; trên 100 hộ kinh doanh dịch vụ… Tiêu biểu như hội viên Lê Chí Sơn, Vũ Văn Hà (chi hội Tân Phú), Đinh Công Sản, Nguyễn Văn Chiến (chi hội Mường Lồ), Bùi Quang Lư (chi hội Sơn Phú).

Thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên trong phong trào thi đua lao động sản xuất, hàng năm, Hội CCB xã chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể duy trì tổ chức từ 3 - 4 buổi tập huấn về chuyển giao KHKT. Thường xuyên tổ chức gặp mặt, giao lưu nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Duy trì xây dựng nguồn quỹ hội đạt 800.000 đồng/hội viên/năm. Từ nguồn quỹ, Hội CCB đã đa dạng hoạt động hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên nghèo, hộ chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Bùi Văn Thái, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Thời gian tới, Hội CCB xã khuyến khích cán bộ, hội viên tích cực thi đua lao động sản xuất; năng động, tìm tòi, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, chuyển giao KHKT ứng dụng trong quá trình sản xuất. Tạo mối liên kết tiêu thụ giúp hội viên CCB tiêu thụ các mặt hàng nông sản với giá thành ổn định. Từ đó tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.


Đức Anh


Các tin khác


Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII: Tiên phong đổi mới – Kiến tạo giá trị

Sáng 31/3, phiên trọng thể Đại hội Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2025 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Đảm bảo an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt tại các tổ chức tín dụng

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác đảm bảo an toàn kho quỹ tại các tổ chức tín dụng (TCTD), đảm bảo an toàn tiền, tài sản, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về tiền mặt lưu thông, không để xảy ra sai sót, sự cố.

Giá trâu, bò giảm mạnh vẫn khó tiêu thụ

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do giá của vật nuôi này đã giảm mạnh lại khó tiêu thụ.

Nhìn lại 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã

(HBĐT) - Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 được ban hành đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX. Nhận thức về bản chất của HTX được khẳng định và thống nhất trong toàn xã hội. Các HTX không còn lối tư duy kiểu cũ là trông chờ vào chính sách hỗ trợ mà chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Suốt thời gian dài, "cơn bão" Covid-19 càn quét đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống KT-XH, hoạt động SX-KD trên địa bàn tỉnh. Sức chống chịu và nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp (DN), người dân giảm sút. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai, khô hạn kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất ngành công nghiệp điện thiếu hụt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH. Do vậy, năm 2021, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 2,66%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra. Cùng với đó là các chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người; năng suất lao động; tổng đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ người dân tham gia BHYT không đạt.

Huyện Kim Bôi: Tháo gỡ khó khăn thực hiện quy hoạch

(HBĐT) - UBND huyện Kim Bôi đang tiến hành lập và quản lý 28 đồ án quy hoạch, trong đó có 1 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, 2 đồ án quy hoạch chung, 20 đồ án quy hoạch phân khu và 5 đồ án quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, các quy hoạch vùng chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải khẩn trương rà soát, đánh giá, bổ sung điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bo; quy hoạch dọc tuyến đường liên kết vùng, bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, tính chất của đồ án… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, môi trường, văn hoá, nguồn suối nước khoáng nóng, trở thành vùng trọng điểm du lịch của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục