Theo đánh giá của các hộ thành viên Hợp tác xã Kỹ thương đồn điền Chi Nê, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), cây dâu lai phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện, sinh trưởng, phát triển tốt.
Hợp tác xã (HTX) Kỹ thương đồn điền Chi Nê, xã Phú Nghĩa là đơn vị tiên phong trồng cây dâu lai làm nguyên liệu nuôi tằm trên địa bàn huyện. Năm 2021, HTX bắt tay trồng dâu lai, đến nay đã trồng được 5 ha tại xã Phú Nghĩa. Chị Bùi Thị Thanh, thành viên HTX chia sẻ: Cây dâu lai sinh trưởng và phát triển tốt, không kén đất, phù hợp với khí hậu của huyện Lạc Thủy. Năm 2021, gia đình tôi nuôi 3 lứa tằm, sinh trưởng tốt nhưng cần phải quan tâm đến nhiệt độ trong phòng nuôi. Tằm là loại côn trùng có nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm là từ 25 - 300C. Nhiệt độ ngoài khoảng dao động đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của tằm, dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm. Vì vậy, để có điều kiện phù hợp cho tằm phát triển, tôi đã lắp điều hòa trong phòng để nuôi tằm. Nuôi tằm trong phòng điều hòa vừa nhanh lớn, chất lượng kén tốt.
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên HTX hiện đang nuôi 10 vòng trứng, dự kiến 1 vòng trứng thu được 13 kg kén, giá bán 150.000 đồng/kg kén. Anh Hùng cho biết: Thời gian tới, mỗi tháng sẽ nuôi 2 lứa tằm, mỗi lứa 20 vòng trứng, doanh thu đạt khoảng 78 triệu đồng/tháng.
Để mở rộng vùng nguyên liệu trồng dâu phục vụ nuôi tằm, UBND huyện Lạc Thủy đã đồng ý cho HTX Kỹ thương đồn điền Chi Nê thực hiện liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu và triển khai mô hình trồng dâu - nuôi tằm trên địa bàn. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, quy hoạch quỹ đất phù hợp tại địa phương; định hướng cho HTX ký hợp đồng liên kết với các tổ chức, hộ trồng dâu tạo nguồn nguyên liệu nuôi tằm. Quy mô thực hiện 5 ha tại xã Phú Nghĩa và Phú Thành. Theo đó, các hộ tham gia sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật và giống, phân bón. HTX cam kết thu mua 100% lá dâu với giá 4.000 đồng/kg và kén tằm với giá 150.000 đồng/kg.
Dâu là cây lâu năm, từ 18-20 năm/lần trồng. Cây dâu lai ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần 1-2 lao động thường xuyên chăm sóc cho 1 ha dâu/ năm. Sau khi trồng 4 - 5 tháng, dâu sẽ cho thu hoạch, năng suất bình quân 1 ha đạt 50.000 kg lá/năm. Theo tính toán thu nhập từ trồng dâu đạt khoảng 200 triệu đồng/ ha/năm.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nhằm đẩy nhanh việc thực hiện mô hình liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện, từ đầu năm đến nay, phòng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn trang bị kỹ thuật cho nông dân xã Phú Nghĩa. Dự kiến, huyện sẽ hình thành vùng nguyên liệu khoảng 200 ha để thực hiện chuỗi liên kết trồng dâu - nuôi tằm tại xã Phú Nghĩa và Phú Thành. Để đạt mục tiêu đề ra, năm 2022, phòng phối hợp với HTX Kỹ thương đồn điền Chi Nê vận động bà con trồng khoảng 6 ha dâu lai để cung cấp nguyên liệu lá dâu cho HTX. HTX cam kết thu mua 100% lá dâu của hộ dân với giá bán 4.000 đồng/kg. Các hộ tham gia chuỗi liên kết sẽ được hỗ trợ cây giống, cung cấp thuốc, vật tư nuôi tằm, thu mua kén theo đúng hợp đồng.
Thu Thủy