(HBĐT) -Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chủ động định hướng các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vào thị trường bất động sản (BĐS) để dòng tiền đi đúng hướng, hiệu quả, đảm bảo an toàn của hệ thống.
Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, thị trường BĐS liên tục xuất hiện các cơn sốt đất tại một số địa phương như: Lương Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn, Yên Thủy, TP Hòa Bình…; một số nơi giá đất tăng gấp 3 - 4 lần chỉ trong một vài tháng.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực BĐS, cơn sốt đất thời gian qua chủ yếu do các nhóm đầu cơ, cò đất lợi dụng thông tin về thay đổi quy hoạch, đề xuất làm dự án hạ tầng trọng điểm để gây nhiễu loạn thị trường. Bên cạnh đó, việc kinh doanh gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng giảm sâu, kênh đầu tư chứng khoán, vàng diễn biến phức tạp nên người dân đổ xô mua đất khiến làn sóng đầu tư ăn theo tâm lý đám đông xuất hiện. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức cũng tranh thủ vay vốn NH với lãi suất thấp để đầu cơ vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh cho thấy dấu hiệu trầm lắng, thanh khoản thấp.
Nhìn nhận nguy cơ và rủi ro cao từ việc vay vốn ngân hàng đầu cơ BĐS, trong những tháng qua, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các NH, TCTD hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng NH, hạn chế tín dụng đen. Đối với lĩnh vực BĐS, các NH, TCTD tạo điều kiện cho BĐS nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ BĐS đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao...
Qua tìm hiểu tại một số NH trên địa bàn, tại Agribank Hòa Bình - một trong những NH chủ lực có hệ thống chi nhánh tại các huyện, thành phố, chiếm 90 - 95% tổng nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Thời gian qua, NH thực hiện tốt việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có BĐS, nghiêm cấm các hiện tượng cho vay với mục đích đầu cơ... Được biết, tại nhiều NH, TCTD khác trên địa bàn hiện tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Thống kê, tổng dư nợ toàn địa bàn thực hiện đến cuối tháng 7/2022 ước đạt 31.420 tỷ đồng, tăng 7,2%, tương đương 2.110 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 42% tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 58% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 7 ước đạt 15.987 tỷ đồng, chiếm gần 51% tổng dư nợ; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 7.230 tỷ đồng, chiếm 23% tổng dự nợ; cho vay xuất khẩu 40 tỷ đồng, cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng.
Đối với lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 4,5%/năm đối với ngân hàng thương mại (NHTM), 5,5%/năm đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường: ngắn hạn tại các NHTM phổ biến từ 7 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 8,5 - 12,7%/năm; QTDND ngắn hạn từ 8,5 - 10,8%/năm, trung dài hạn từ 9,5 - 11%/năm. Riêng với lãi suất cho vay tiêu dùng, ngắn hạn của các NHTM dao động từ 7 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 13%/năm; ngắn hạn của QTDND từ 9 - 11%/năm, trung dài hạn từ 10 - 11%/năm.
Theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, đối với tín dụng vào BĐS đã, đang được các NH, TCTD quản lý chặt chẽ, đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng BĐS thực sự của người dân, tránh đầu cơ, gây rủi ro cao đối với hệ thống tài chính.
Trong thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các NHTM tập trung vốn cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, trái phiếu doanh nghiệp…
Hồng Trung