(HBĐT) - Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm tham gia chu trình OCOP còn một số tồn tại, hạn chế thể hiện ở quy mô sản lượng nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ thể còn lúng túng trong xây dựng hồ sơ sản phẩm. Còn nhiều tổ chức kinh tế, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), cơ sở sản xuất chưa biết đến Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…
Sản phẩm OCOP 3 sao dưa lưới Ichiba xanh của Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (Lạc Thủy) sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thực tế cho thấy, một số sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh nhưng không phát triển được quy mô sản xuất. Đơn cử như sản phẩm hạt dổi của hộ ông Bùi Văn Tiến, xã Thạch Yên (Cao Phong) chưa liên kết được với các hộ dân trên địa bàn xã để mở rộng diện tích, thị trường tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ tại địa phương.
Sản phẩm OCOP 3 sao vịt cổ xanh Mường Hịch của HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Hịch, xã Mai Hịch (Mai Châu) nổi tiếng bởi chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên, HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Hịch không phát triển được quy mô sản xuất, luôn trong tình trạng thiếu hàng cung cấp ra thị trường.
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, hàng năm, kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho thấy, phần lớn sản phẩm OCOP chỉ đạt trên 50 điểm (đủ điểm đạt hạng 3 sao với 78 sản phẩm). Nguyên nhân chính là do sản phẩm có quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao, còn thiếu các quy chuẩn sản xuất an toàn như VietGAP, hữu cơ… Kinh phí từ ngân sách địa phương cho đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất còn hạn chế, đây là nguyên nhân dẫn tới năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Đặc biệt, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ, thậm chí chưa biết đến những thông tin cơ bản về Chương trình OCOP nên khi đăng ký tham gia chương trình còn lúng túng trong xây dựng hồ sơ.
Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Để nâng cao thương hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh đối với người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu, đảm bảo đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đa dạng hình thức tuyên truyền để khuyến khích người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP đảm bảo sản phẩm có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình. Hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… Xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đẩy mạnh số hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart.vn, Shopee, Lazada và tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm mới và nâng cấp hạng sao đối với những sản phẩm đã được xếp hạng. Rà soát, đánh giá lại các sản phẩm đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 theo tiêu chuẩn OCOP quy định (giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng sắp hết hiệu lực). Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: cây có múi (cam, quýt, bưởi) tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy; cá nuôi lồng ở hồ Sông Đà; sản phẩm chế biến từ trâu, bò, dê; các loại gạo chất lượng cao... theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao, gồm: cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà và các sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh đề xuất với Bộ NN&PTNT.
Thu Thủy