Theo kế hoạch, năm 2022, dự toán thu NSNN của tỉnh được Chính phủ giao 3.582 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 6.095 tỷ đồng. Riêng thu từ tiền SDĐ Chính phủ giao 1.200 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 3.100 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh giao 1.900 tỷ đồng, ngân sách huyện giao 1.200 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu đấu giá đất, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch SDĐ năm 2022 của các huyện, thành phố; HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết phê duyệt danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thu tiền từ đấu giá QSDĐ chậm so với kế hoạch đề ra. Theo đồng chí Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, đến hết tháng 10, tỉnh mới thu được hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh thu 660 tỷ đồng, cấp huyện thu 657 tỷ đồng. Từ nay đến hết năm, ngân sách tỉnh tiếp tục phải thu 1.300 tỷ đồng, ngân sách huyện phải thu hơn 600 tỷ đồng, đây là một áp lực không nhỏ.
Qua rà soát cho thấy, hầu hết các huyện đều chưa đạt kế hoạch thu ngân sách từ tiền đấu giá QSDĐ. Cụ thể, đối với huyện Lương Sơn, năm 2022, huyện được giao thu từ tiền SDĐ 500 tỷ đồng, HĐND huyện giao 1.200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, huyện mới thu được 250 tỷ đồng, đạt 50% dự toán tỉnh giao và đạt 25% dự toán HĐND huyện giao. Huyện Lạc Thủy được giao thu 100 tỷ đồng, hiện thu được 75 tỷ đồng; huyện Kim Bôi thu được hơn 22/80 tỷ đồng được giao; huyện Mai Châu và Lạc Sơn tỷ lệ thu ngân sách từ đấu giá QSDĐ thấp hơn 50% kế hoạch giao. Đáng lưu ý tại một số huyện, chính quyền địa phương chưa tổ chức được đấu giá đất do quá trình thực hiện các dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo các huyện, thành phố, việc chậm tiến hành đấu giá QSDĐ chủ yếu liên quan đến công tác thẩm định giá. Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Để đảm bảo thu ngân sách từ đất, huyện đã khẩn trương tiến hành các thủ tục để thực hiện đấu giá đất. Tuy nhiên, đến bước xây dựng phương án giá đất cụ thể thuộc thẩm quyền của các sở, ngành thì vướng mắc không triển khai thực hiện được nên đến nay bị chậm tiến độ.
Đây cũng là tình trạng của huyện Kim Bôi và một số huyện khác. Theo đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi: Huyện đã hoàn thành đấu giá 2 dự án được thực hiện từ đầu năm. Hiện còn 2 dự án tiếp tục triển khai là dự án đấu giá đất khu Bãi Chạo, xã Tú Sơn và dự án khu nhà ở Mớ Đồi, thị trấn Bo. Cả 2 dự án này đều vướng ở bước xác định giá cụ thể làm căn cứ tổ chức đấu giá theo quy định.
Ngoài vướng mắc về xác định giá cụ thể để làm giá khởi điểm tổ chức đấu giá, nhiều địa phương cũng lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư dự án do công tác quy hoạch, đặc biệt do kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 của tỉnh đến thời điểm này chưa được ban hành. Vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ.
Thu NSNN có vai trò rất lớn trong cân đối vốn đầu tư công năm 2022 và những năm tiếp theo. Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý I/2023 phải đạt 30%, đến giữa năm 2023 phải đạt 50%. Chính vì vậy, để đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề đặt ra hiện nay là hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.
Để khắc phục khó khăn, theo đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cần rà soát lại các dự án đấu giá QSDĐ. Với những dự án vướng mắc về công tác quy hoạch, thẩm định đồ án và liên quan đến Chương trình phát triển nhà ở, trước mắt, Sở Xây dựng cần tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở để kịp thời giải quyết tiến độ các dự án đấu giá đất trong năm 2022.
Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để đạt được số thu ngân sách tỉnh năm 2022, cần gấp rút đốc thúc việc thu tiền trúng đấu giá nộp NSNN đối với các dự án đã hoàn thành đấu giá đất theo đúng tiến độ, phương án đấu giá được duyệt. Đặc biệt, các sở, ngành cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc hướng dẫn, giải quyết, thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ đấu giá đất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá đất, đảm bảo nguồn thu NSNN năm 2022.
Đinh Hòa