(HBĐT) - Với hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện đã giúp hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.


Công nhân Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (KCN bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) tập trung thực hiện các công đoạn sản xuất.

Năm 2022, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, song tỉnh ta đã có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án nằm trong các khu, cụm công nghiệp và 65 dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. So với cùng kỳ năm trước, số dự án được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 729 dự án đang hoạt động, trong đó có 37 dự án trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp trong tỉnh hiện có 105 dự án đầu tư đã được cấp phép, trong đó có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 518,9 triệu USD và 80 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 13.992 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ước đạt 19.812 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ.

Cùng với các dự án đầu tư, trong năm 2022, trong tỉnh đã có 465 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 10 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp mới bằng 100,9%. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có khoàng 4.300 doanh nghiệp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác thu hút đầu tư đã đạt được kế hoạch đề ra, cho thấy sự phục hồi bước đầu của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Đồng thời cho thấy, tỉnh ta vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Sở dĩ đạt được những kết quả khả quan trong năm 2022 là nhờ UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giải quyết những hạn chế để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, kết hợp với tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Trong đó, thường xuyên nắm bắt kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo thuận lợi đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án.

Đặc biệt, để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng đến nền hành chính phục vụ và tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian giải quyết TTHC. Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các sở, ngành, UBND các huyện thành phố đã thực hiện cơ chế giải quyết TTHC 4 tại chỗ, qua đó hồ sơ tiếp nhận, giải quyết đúng quy trình, thời gian, đặc biệt nhiều hồ sơ thời gian giải quyết đã rút ngắn so với trước từ 1/2 đến 1 ngày làm việc.

Cùng với đó là tỉnh thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch tỉnh đến năm 2050 và chủ động kết nối với các bộ, ngành, ưu tiên phân bổ nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược như: cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình, đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và Sơn La, dự án kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, phương châm là giao thông đi trước một bước tạo tiền đề thúc đẩy KT- XH phát triển. Phát triển hạ tầng giao thông gắn với cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hiện có. Tỉnh tiếp tục quy hoạch, đầu tư hạ tầng 8 khu công nghiệp quy mô từ 68 - 282 ha và 7 cụm công nghiệp, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, thuận tiện về giao thông.

Với sự đổi mới, quyết liệt của bộ máy chính quyền, nhiều nhà đầu tư lớn đã tin tưởng vào định hướng phát triển của tỉnh, tiếp tục triển khai các dự án, tập trung vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, công nghiệp tại các huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, TP Hoà Bình..., mở ra cơ hội lớn để thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là các dự án lớn như: quần thể Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ (Kim Bôi); Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp hồ Khả tại xã Quý Hòa (Lạc Sơn); dự án tuyến cáp treo Hương Bình, xã Phú Lão (Lạc Thủy) và xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội)...

Năm 2023 đánh dấu nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu được tỉnh đề ra là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh xác định tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ và giải quyết trúng, đúng, kịp thời các điểm nghẽn gây cản trở thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Đinh Hòa

Các tin khác


“Bức tranh” nông thôn mới xã đặc biệt khó khăn huyện Yên Thủy

(HBĐT) - Năm 2022, huyện Yên Thủy có thêm 2 xã là Bảo Hiệu, Lạc Lương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, cùng với Hữu Lợi đã được công nhận năm 2021, huyện có 3/5 xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đạt chuẩn NTM. Việc đầu tư xây dựng NTM tại các xã vùng ĐBKK góp phần quan trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Huyện Lạc Thủy phát triển vùng động lực

(HBĐT) - Trong chiến lược phát triển KT-XH, huyện Lạc Thủy có 6 xã, thị trấn thuộc vùng động lực của tỉnh, gồm: thị trấn Chi Nê, thị trấn Ba Hàng Đồi, các xã: Phú Thành, Phú Nghĩa, Yên Bồng, Đồng Tâm. Huyện đang phát huy tối đa nguồn lực, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, tạo sự đột phá để phát triển bền vững.

Lương Sơn - sức bật nơi cửa ngõ Thủ đô

(HBĐT) - Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự phát triển sôi động của vùng đất cửa ngõ Thủ đô tạo cho huyện Lương Sơn diện mạo mới, văn minh, hiện đại, vươn tầm cao mới.

Giá dầu mỏ thế giới tăng trở lại

Giá dầu mỏ thế giới trong phiên giao dịch ngày 30/12 đã quay đầu tăng sau khi số liệu báo cáo mới nhất cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ giảm.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2023

Sáng 30/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban QLDA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục