(HBĐT) - Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Lạc Thủy đã quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm.



Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (xã Thống Nhất) đầu tư trồng dưa lưới Ichiba xanh Nhật Bản theo tiêu chuẩn GlobalGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

  Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp huyện Lạc Thủy đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, khuyến khích bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào. Hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP. Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên phối hợp với Chi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản rà soát các cơ sở sản xuất nông nghiệp đăng ký chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đến nay, tỷ lệ diện tích trồng trọt chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm (ATTP) chiếm 32,5%; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi tập trung chứng nhận VietGAP chiếm 8%.

 Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (xã Thống Nhất) đầu tư trồng dưa lưới Ichiba xanh Nhật Bản theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau 2 năm mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, tỷ lệ quả loại 1 đạt trên 90%. Mỗi nhà màng rộng 2.000 m2 trồng được 4.600 gốc dưa. Thời gian sinh trưởng 75 ngày, trọng lượng quả bình quân 1,5 - 2 kg, năng suất đạt 100 -130 tấn/ ha/năm. Giá bán trên thị trường hiện đạt 75.000 đồng/kg. Trước khi thu hoạch, từng quả dưa được kiểm tra chất lượng, độ ngọt, dán tem truy xuất nguồn gốc. Dưa lưới Ichiba xanh được tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, tại các cửa hàng hoa quả sạch và hệ thống siêu thị. 


Anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ kỹ thuật Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh cho biết: Để đạt được năng suất, chất lượng quả tốt, công ty kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào như nước, giá thể, hạt giống, phân bón và các khâu trong quy trình kỹ thuật. Công nhân làm việc được đào tạo bài bản, có chứng chỉ về vệ sinh ATTP. 

Song song với lĩnh vực trồng trọt, các HTX, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Lạc Thủy đẩy mạnh chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu biểu như hộ ông Trịnh Văn Tuấn (xã Phú Thành) chuyên nuôi gà thịt, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 12 tấn gà và 240.000 quả trứng; HTX gà Lạc Thủy (xã An Bình) sản lượng 40 tấn gà/năm; HTX mật ong Khoan Dụ (xã Khoan Dụ) chuyên nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, với 200 đàn… Đa số sản phẩm của các cơ sở, HTX chăn nuôi đảm bảo ATTP được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chuỗi của hàng thực phẩm sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
 

Ông Vũ Tiến Sỹ, thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng chia sẻ: HTX được hình thành từ tổ hợp tác chăn nuôi gà Lạc Thủy, trồng rừng tại thôn Chợ Đập, xã An Bình. Các thành viên của HTX mạnh dạn phát triển chăn nuôi sinh học và hướng hữu cơ. Năm 2021, sản phẩm gà tươi nguyên con Hải Đăng đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 63,7 tấn thịt gà. Với thương hiệu uy tín được khẳng định, lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng, giá bán 160.000 đồng/kg, doanh thu của HTX trung bình đạt 30 tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập cao, ổn định cho các hộ thành viên.

Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; có giá bán cao hơn và dễ tiêu thụ hơn. Thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà trở thành mặt hàng xuất khẩu như chè sông Bôi. Để tiếp tục đưa nông sản vào các thị trường khó tính, nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc các cam kết về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất cần chú trọng đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc để gia tăng giá trị cho nông sản.

Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục