HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành (Lạc Thủy) ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong các HTX, thời gian qua, Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Lạc Thủy đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Post tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các HTX về CĐS; hướng dẫn kỹ năng bán hàng trực tuyến, đăng sản phẩm lên sàn TMĐT. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thuỷ; sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gà Lạc Thuỷ, dê Lạc Thuỷ, na Lạc Thuỷ, chè Sông Bôi, các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ ứng dụng KHKT và công nghệ mới như khuyến khích HTX tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị có tiềm năng xuất khẩu. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của địa phương. Khuyến khích phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Toàn huyện hiện có 47 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó có 38 HTX nông nghiệp; 4 HTX tiểu thủ công nghiệp; 2 HTX dịch vụ vận tải; 3 HTX thương mại dịch vụ. Thực hiện CĐS trong HTX đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Đa số HTX nhận thức được tầm quan trọng của CĐS đối với công tác tổ chức, điều hành. Một số HTX tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ như: HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, HTX Sơn Nam…
Sau hơn 3 năm thành lập, với sự nỗ lực không ngừng của thành viên và người lao động trong áp dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, HTX Sơn Nam là một trong những HTX điển hình tiên tiến của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/ tháng. Hàng năm, doanh thu của HTX đạt trên 4,6 tỷ đồng.
Bà Bùi Thị Lan, Giám đốc HTX Sơn Nam chia sẻ: HTX đầu tư chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, trồng cây ăn quả và nhiều dịch vụ khác, trong đó tập trung nuôi giống gà siêu trứng Ai Cập. HTX luôn đảm bảo vệ sinh môi trường trong chuồng nuôi, không để tồn đọng chất thải, không làm ô nhiễm môi trường do quá trình chăn nuôi thải ra. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến kèm theo giải pháp công nghệ khép kín nhằm hạn chế đưa chất thải ra môi trường. Tại các chuồng trại sử dụng những mẫu thiết kế tiên tiến, hiện đại, thoáng khí, mát mẻ, thường xuyên thông thoáng. Ngoài ra, chuồng được lắp đặt thiết bị thông thoáng nhân tạo với hệ thống quạt gió đẩy và hút gió.
Đến nay, tổng đàn gà của HTX Sơn Nam đạt trên 5.000 con, cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 quả trứng mỗi ngày. Trứng sau khi thu hoạch được kiểm định, phân loại và làm sạch, sau đó đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm trứng gà Ngọc Hân của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đã được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn. Năm 2022, trứng gà Ngọc Hân tiêu thụtrên 191.600 quả trên sàn TMĐT Postmart.vn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc CĐS trong HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đánh giá của BCĐ Phát triển KTTT huyện Lạc Thủy, hiện, trên địa bàn huyện đã có một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động SX-KD. Tuy nhiên, các HTX mới chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến, quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm nhiều. Một rào cản nữa trong CĐS ở HTX là nguồn nhân lực có năng lực, trình độ của cán bộ quản lý, đặc biệt là các HTX nông nghiệp còn hạn chế về số hóa hoặc CNTT. Một số ít các HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, song chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội là chính.
Thời gian tới, huyện rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về kinh phí, công nghệ, kỹ thuật để giúp các HTX có nền tảng sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững. Đặc biệt là áp dụng công nghệ vào chế biến sâu để thuận tiện đưa nông sản lên các sàn TMĐT.
Thu Thủy