(HBĐT) - Từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Tân Lạc đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Qua đó góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.


Được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, gia đình anh Đinh Văn Doanh, xóm Bương Bái, xã Vân Sơn (Tân Lạc) phát triển mô hình trồng quýt ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là xã vùng cao có thế mạnh về trồng quýt, năm 2019, gia đình anh Đinh Văn Doanh ở xóm Bương Bái, xã Vân Sơn được hỗ trợ trên 100 gốc cây quýt từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Với diện tích gần 1 ha, anh tiếp tục cải tạo và cấy ghép cành trồng thêm quýt cổ, quýt ngọt. Hiện, gia đình anh đã có trên 400 gốc quýt đang cho thu hoạch... Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, hàng năm, gia đình anh Doanh được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón.

Anh Đinh Văn Doanh cho biết: Trước khi trồng quýt, gia đình chủ yếu trồng sắn và ngô. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi được hỗ trợ giống, phân bón, gia đình đã chuyển sang trồng quýt, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng từ cây quýt, hiệu quả hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Ngoài trồng quýt, gia đình tôi nuôi thêm gà thả vườn và kết hợp chăn nuôi lợn bản địa để tăng thu nhập.

Cũng như gia đình anh Doanh, quýt ngọt hiện là cây trồng chủ lực thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn xã Vân Sơn với tổng diện tích 183,3 ha. Anh Xa Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: 98% dân số xã Vân Sơn là đồng bào DTTS. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc. Thông qua việc hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân đã tiếp cận được với nhiều giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác khoa học để phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương. Hiện nay, ngoài cây quýt ngọt, xã đang phát triển thành vùng cây đào với diện tích hơn 45 ha, là cây trồng phù hợp với đất đai, đồng thời tạo cảnh quan thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng theo Đề án của Tỉnh uỷ.

Huyện Tân Lạc có 16/16 xã, thị trấn với 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó có 9 xã và 9 xóm thuộc diện ĐBKK. Trước đây, thông qua Chương trình 135 đã có nhiều công trình giao thông, nước sinh hoạt, kênh mương được xây dựng ở các xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN. Nhiều dự án hỗ trợ sản xuất được huyện triển khai hiệu quả đã góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân. Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã đề ra những mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân giảm 2,5 - 3%; các xã ĐBKK bình quân giảm từ 4 - 4,5%. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN của huyện. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.

Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Chính sách dân tộc đã góp phần thay đổi tích cực đời sống người dân trên địa bàn huyện. Để triển khai hiệu quả chính sách, phòng chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu của người dân trên địa bàn để đưa ra những chương trình hỗ trợ cụ thể với phương châm "cho cần câu, không cho con cá”. Vì vậy, huyện tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Xác định bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp quan trọng. Huyện Tân Lạc đã rà soát và xây dựng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 với số tiền trên 1.119 tỷ đồng. Trong đó, gần 600 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, gồm xây dựng đường giao thông ở các thôn, xóm; đường giao thông vào các khu sản xuất; hệ thống cầu, cống, công trình thủy lợi, điện, lớp học, y tế. Đây sẽ là động lực quan trọng để huyện nâng cao chất lượng cuộc sống, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn.


Phương Linh


Các tin khác


Măng Kim Bôi lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Huyện Đà Bắc lấy ý kiến về phát triển vùng trồng cây dược liệu quý

(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại

(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.

Huyện Lạc Sơn phát triển sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lạc Sơn hiện có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nhà ở xã hội

(HBĐT) - Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Huyện Cao Phong: Nâng cao chất lượng cam phục vụ xuất khẩu

(HBĐT) - Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục