(HBĐT) - Chặt bỏ cây cam đã hết chu kỳ khai thác, trồng chuối và một số loại cây khác để cải tạo đất, cũng như triển khai các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu cam Cao Phong. Đó là thực tế đã, đang diễn ra ở thủ phủ cam Cao Phong trong chu kỳ tái canh lớn nhất từ trước đến nay.
Hơn 10 năm qua, vườn cam đã đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình ông Nguyễn Văn Trường, xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong).
Vì sao diện tích cam giảm mạnh?
Cây cam đã hiện diện trên đất Cao Phong hơn nửa thế kỷ với nhiều thăng trầm. Nhưng tựu chung lại, có thể khẳng định, đến nay chưa cây trồng nào có thể vượt qua những giá trị mà cây cam đem lại đối với sự phát triển KT-XH của mảnh đất Cao Phong. Khoảng 10 năm về trước được coi là giai đoạn "hoàng kim” của cam Cao Phong, khi giá bán luôn ổn định ở mức cao. Mỗi cây cam cho thu cả chục triệu đồng, vườn cam chỉ vài nghìn m2 cũng đem lại tiền tỷ sau mỗi vụ thu hoạch. Vì thế nên những năm 2015 - 2018, nhà nhà, người người đổ xô trồng cam. Song những năm gần đây hàng trăm ha cam đã bị chặt bỏ. Đi giữa thủ phủ cam Cao Phong có thể thấy những vườn cam bạc tỷ ngày nào nay được thay thế bằng loại cây trồng khác. Vậy, điều gì đang diễn ra ở "thủ phủ" cam nổi tiếng của tỉnh?
Trả lời câu hỏi này, đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Giai đoạn 2015 - 2018, người dân đổ xô trồng cam vì giá cao. Đây là giai đoạn phát triển "nóng”, khi diện tích cam từ 1.500 ha (năm 2014) tăng lên trên 3.000 ha (năm 2018). Tuy nhiên, vì trồng cam theo phong trào, không nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cam nên nhiều vườn "có trồng mà không có thu”. Do đó, những năm gần đây, số diện tích này buộc phải chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Giai đoạn 2018 - 2022 cũng là thời điểm hết chu kỳ khai thác của nhiều diện tích cam được trồng trong thời điểm từ năm 2008 - 2013. Bình quân mỗi năm có khoảng 400 - 500 ha cam hết chu kỳ khai thác hoặc bị sâu bệnh nặng buộc phải tiêu hủy. Để tiếp tục trồng cam, những diện tích hết chu kỳ khai thác buộc phải luân canh, cải tạo đất theo quy trình kỹ thuật. Vì thế những diện tích này được người dân trồng chuối và một số loại cây trồng khác trong khoảng 3 - 4 năm, trước khi tiếp tục tái canh cây cam. "Từ khi bắt đầu trồng cam (những năm 60 của thế kỷ trước) đến nay đã qua 4 - 5 chu kỳ trồng tái canh. Chu kỳ gần đây nhất là có diện tích trồng lớn nhất, do vậy khi hết chu kỳ canh tác thì diện tích phải hủy đi trồng lại cũng lớn nhất” - đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết.
Không chỉ đơn thuần là chu kỳ tái canh lớn nhất mà trong giai đoạn này phải tập trung để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình phát triển cam mấy chục năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển "nóng”. Trong Quyết định số 2078/QĐ-UBND, ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ tính tất yếu phải thực hiện tái canh cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam. Với vùng cam Cao Phong, quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học… khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu; hệ vi sinh vật đất nghèo nàn, tích lũy nhiều nguồn sâu bệnh, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển bền vững cây ăn quả có múi.
Do đó, việc triển khai đề án nhằm phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha.
Thay đổi để phát triển bền vững
Bên cạnh những vườn cam phải chặt bỏ vì thực hiện tái canh và những lý do khác, hiện vẫn còn nhiều vườn cam đã, đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở huyện Cao Phong. "Cây cam đã làm thay đổi đời sống của chúng tôi. Nếu không có cây cam có lẽ đời sống của bà con còn nhiều vất vả, lo toan”, đó là khẳng định của ông Ngô Thanh Huấn, Trưởng xóm Dệ, xã Bắc Phong. Trước khi cây cam hiện diện ở xóm Dệ cũng như ở vùng Cao Phong rộng lớn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong ký ức của ông Huấn và người dân nơi đây, Dệ từng là xóm nghèo, nhà cửa sơ sài, vườn đồi um tùm lau sậy, cây bụi. Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, xóm Dệ đã tiến nhanh trong xây dựng nông thôn mới. Từ những hộ thuộc diện nghèo đói, thu nhập bấp bênh, nhiều hộ đã có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Kết quả có được phần lớn do cây cam đem lại.
Gia đình ông Huấn là 1 trong hơn 20 hộ dân xóm Dệ đang gắn bó với cây cam. Vườn cam của gia đình ông Huấn đã cho thu năm thứ 8, bình quân mỗi năm khoảng 400 triệu đồng. Trong câu chuyện về hành trình gắn bó với cây cam, ông Huấn cho biết: "Có thời điểm chạy theo phong trào, lợi nhuận nên chúng tôi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc cây trồng. Những năm trở lại đây, khi đã "yêu” cây, xác định đây là mảnh đất ăn đời, ở kiếp của mình thì bền vững hay không là do mình cả. Mấy năm nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm rất nhiều, gia đình tôi cũng như bà con nghiên cứu, áp dụng phương thức sản xuất cam hữu cơ, như cỏ thì phát bằng máy, phân bón chuyển từ phân hoá học sang hữu cơ vi sinh”.
Tại xóm Dệ, chúng tôi có dịp thăm vườn cam "khủng” rộng 8.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Trường. Gọi là vườn "khủng” bởi những cây cam trong vườn của gia đình ông Trường đã bước sang năm thứ 16. Nhẽ ra, với cây cam ở độ tuổi này đã cỗi già, nhưng nhờ bàn tay chăm sóc tận tâm của vợ chồng ông Trường, vườn cam vẫn khá "sung sức”. Theo ông Trường, có thể khai thác thêm 4 - 5 năm nữa mới phải tái canh. Đưa chúng tôi thăm vườn cam trĩu quả, ông Trường cho biết cả vườn đã có tư thương đặt mua từ tháng trước. Hơn chục năm qua, gia đình ông không lo đầu ra bởi có nhiều mối quen. Trong thời kỳ "vàng”, khi cam được mùa, giá bán cao, mỗi năm gia đình ông Trường thu trên 1 tỷ đồng. Mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm thu khoảng 500 triệu đồng từ trồng cam và chanh.
"Trồng cam đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc để cây luôn khoẻ mạnh, cho năng suất ổn định. Nhiều hộ thấy giá cam cao đua nhau trồng nhưng lại không có thu, phải chặt bỏ vì không nắm được quy trình, thiếu vốn đầu tư. Với những hộ trồng lâu năm như chúng tôi, ngoài kinh nghiệm thì mình cũng phải yêu cây thì cây mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho mình” - ông Trường nhấn mạnh. Vì "yêu” cây nên nhiều năm, gia đình ông Trường chú trọng trồng cam hữu cơ, sử dụng các sản phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh để chăm sóc vườn cam.
Sự thay đổi về tư duy của ông Trường, ông Huấn là tất yếu, yếu tố sống còn đối với người trồng cam, vùng trồng cam Cao Phong để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra các chỉ tiêu cụ thể cần đạt cho từng giai đoạn. Trong đó nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là hình thành vùng trồng lớn, đảm bảo nguồn cung đồng đều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đủ nguyên liệu cung cấp cho các kênh tiêu thụ tập trung và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
(HBĐT) - Ngày 9/10, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia nội dung nhóm "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” cho Công ty cổ phần nhà máy kết cấu thép Hoàng Mai, xã Thanh Cao (Lương Sơn).
Ngày 9/10, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III/2023, qua đó cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có xu hướng tăng trở lại, mang đến hi vọng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam sau một năm đầy biến động.
(HBĐT) - Ngày 03/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023 cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.
Sáng ngày 9/10, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Lê Tấn Tới - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Sóc Trăng, dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện các sở, ban ngành, địa phương; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Sau những ngày mưa kéo dài cuối tháng 9, hiện nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa úng.