Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Trên đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 23/10.
Bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương trong ba năm 2024-2026
Với năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
"Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về kinh tế, Thủ tướng đánh giá, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm ; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Thủ tướng cho biết, kinh tế-xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội.
"Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026”, Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Thủ tướng cũng cho biết, công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch trong năm 2023. Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78km.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cho rằng, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm.
Tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm; du lịch quốc tế phục hồi chậm.
Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, chấm dứt tình trạng dàn trải, lãng phí
Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%GDP.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Trình bày một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch. Trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết thí điểm về phân cấp trọn gói, cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện.
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Dự toán thu ngân sách nhà nước 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển. Đồng thời, trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhiệm vụ tiếp theo được Thủ tướng nêu là tiếp tục hoàn thiện chính sách đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương (cả thu ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển); đồng thời nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt của ngân sách địa phương.
"Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nhất là vốn vay nước ngoài, thủ tục thông thoáng, sử dụng hiệu quả; tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính "xoay chuyển” tình thế, "chuyển đổi” trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một số nhiệm vụ, giải pháp khác cũng được Thủ tướng đề cập là thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Theo báo Nhân Dân
(HBĐT) - Ngày 20/10, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và Quỹ Thiện Tâm tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận máy móc, thiết bị nông nghiệp do Quỹ Thiện Tâm tài trợ. Đây là dự án hỗ trợ hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
63% doanh nghiệp được hỏi đã đánh giá Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến FDI hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu.
Sáng 21/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị doanh nghiệp đồng hành xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Tới dự có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
(HBĐT) - Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh. Quy mô xuất khẩu các sản phẩm nông sản ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Để nông sản của tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết đang được đẩy mạnh. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả.
(HBĐT) - Xác định doanh nghiệp, nhà đầu tư là thành tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thông qua hội nghị đối thoại, doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành. Thông qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành nắm bắt được để có sự chỉ đạo và hướng giải quyết cụ thể.
(HBĐT) - Nhắc đến xã Mai Hịch (Mai Châu), ngoài những bản du lịch cộng đồng xinh đẹp, những người đã ghé thăm nơi đây không thể không nhắc tới vịt cổ xanh Mường Hịch - sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, được đánh giá cao bởi chất lượng và quy trình sản xuất an toàn.