Năm nay, người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) phấn khởi vì dong riềng được giá cao.
Cây dong riềng đã gắn bó với đồng đất Cao Sơn từ lâu, được coi là một trong những cây trồng chủ lực trong xoá đói, giảm nghèo của xã. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm bấp bênh, vẫn có những năm được mùa, mất giá khiến người dân thua lỗ. Vụ dong riềng năm nay đem lại niềm vui cho bà con, khi giá thu mua ở mức khá cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xóm Sèo trồng dong riềng từ nhiều năm nay, sản lượng bình quân mỗi năm đạt từ 25 - 30 tấn. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh Tuấn và gia đình tập trung thu hoạch dong riềng để bán. Anh Tuấn chia sẻ, năm 1985, gia đình anh lên định cư tại Cao Sơn, từ năm 1990 đến nay, hầu như năm nào cũng duy trì trồng dong riềng. Loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng nên năng suất, chất lượng ổn định. "Đây là cây trồng đem lại thu nhập chính cho gia đình, nhưng giá cả bấp bênh. Năm giá cao nhất được 20 nghìn đồng/10kg, nhưng có năm chỉ vài nghìn đồng. Vụ năm ngoái chỉ được 9 - 10 nghìn đồng/10kg, tính ra thì lỗ. Năm nay giá cao gia đình rất phấn khởi. Thời gian thu hoạch từ cuối tháng 11 đến gần Tết Nguyên đán”, anh Tuấn chia sẻ.
Gia đình bà Xa Thị Ngoãn, xóm Sơn Phú cũng trồng dong riềng nhiều năm. Khác với vẻ trầm ngâm như mấy vụ trước, vụ năm nay bà Ngoãn rất vui. "Nếu cứ được giá như năm nay thì không cây gì lại được với cây dong riềng. Gia đình tôi trồng gần 1.000 m2, dự kiến thu được khoảng 15 triệu đồng. Cùng diện tích này, nếu trồng ngô thì cao lắm cũng chỉ thu được vài triệu đồng”, bà Ngoãn so sánh. Tuy nhiên, theo bà Ngoãn, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên năng suất giảm khoảng 30% so với vụ năm vừa rồi. Mặc dù phấn khởi vì dong riềng được giá nhưng bà Ngoãn cũng trăn trở, vì đầu ra của cây trồng này bấp bênh. "Giá cả phụ thuộc vào tư thương nên mình không biết được năm nào tiêu thụ thuận lợi, được giá. Do đó nếu được các cấp chính quyền hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thì trồng dong riềng mới đem lại hiệu quả kinh tế bền vững”, bà Ngoãn chia sẻ.
Cây dong riềng trồng ở Cao Sơn được thị trường ưa chuộng vì củ nạc, trắng, tỷ lệ tinh bột cao. Hiện nay, xã trồng 250 ha, tập trung nhiều nhất ở các xóm: Nà Chiếu, Sơn Phú, Sèo và Tằm. Đồng chí Ngô Văn Cường, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Sơn cho biết: Xã có 2 cây chủ lực là dong riềng và ngô. Trong đó, miến dong Cao Sơn đã xây dựng thành sản phẩm OCOP. Trước đây, có một doanh nghiệp đã được thành lập để thu mua, chế biến dong riềng của bà con tại địa phương, nhưng đã dừng hoạt động vì chưa đảm bảo về môi trường. Do đó, đầu ra của cây trồng này vẫn còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào tư thương. Năm nay, mặc dù dong riềng được giá nhưng ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất giảm so với vụ trước. Để phát triển dong riềng hiệu quả, mong muốn cấp trên quan tâm, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị, duy trì diện tích trồng và tăng thu nhập cho người dân.
Viết Đào