Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mở ra cơ hội gia tăng giá trị hạt gạo, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Sẵn sàng cho đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng

Ngày 11/12, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hậu Giang. Sự kiện diễn ra khi nước ta đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững. Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao đã được Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 11 vừa qua.

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX). Chẳng hạn tại HTX Gò Gòn của tỉnh Long An, toàn bộ diện tích hơn 460 hecta đã sẵn sàng tham gia đề án.

Nhờ gieo sạ đồng loạt, lúa của HTX Gò Gòn đã được 5 ngày tuổi. Mấy năm nay, nhờ kiên trì theo các quy trình canh tác bền vững, lượng giống đã kéo giảm chỉ còn dưới 100 kg/hecta, số lần bơm nước cũng giảm còn 5 lần mỗi vụ, thay vì đến 7, 8 lần.

"Không có đốt đồng, sau khi thu hoạch thì cuốn rơm, cày vùi rơm, góp phần trong 1 triệu hecta giảm khí phát thải", ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn, Long An, cho biết.


Từ vị thế cường quốc xuất khẩu gạo, Việt Nam đang dần chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng và có trách nhiệm về môi trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)

Với 60.000 hecta tham gia đề án, Long An có hơn 81% diện tích ứng dụng 1 phải 5 giảm, áp dụng cơ giới đồng bộ, khâu xử lý rơm rạ đạt 80%.

"Theo tập quán, bà con dùng tới 10 bao phân, hiện nay có 6 -7 bao; hạn chế thuốc trừ sâu, thuốc rầy chỉ phun 1 lần", ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Phát, Long An, chia sẻ.

Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp dù mới được phê duyệt, nhưng 12 tỉnh, thành trong khu vực đã sẵn sàng từ sớm. Dự kiến ngay trong vụ Đông Xuân này sẽ có từ 180.000 - 200.000 hecta tham gia thực hiện.

"Khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa, ngành nông nghiệp An Giang cũng đăng ký 200.000 ha. Tỉnh đang gắn kết với một số doanh nghiệp để sản xuất theo tiêu chuẩn", bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho hay.

Giai đoạn 1, đề án phấn đấu nâng mức lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 40%. Mục tiêu này là khả thi. Bởi chỉ áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bà con đã có thể giảm chi phí đến 3,5 triệu đồng/hecta. Trong chuyến khảo sát mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các chuyên gia để triển khai đề án 1 triệu hecta, những tín hiệu khả quan đã được ghi nhận. Chẳng hạn lợi nhuận của bà con xã viên HTX Gò Gòn có thể chạm mốc 30 triệu đồng/hecta.

Tăng thu nhập nhờ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Theo Bộ NN&PTNT, từ vị thế cường quốc xuất khẩu gạo, Việt Nam đang dần chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng và có trách nhiệm về môi trường. Nhờ đó, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cũng mở ra cơ hội gia tăng giá trị hạt gạo, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Cục Trồng trọt, đề án sẽ giúp chi phí sản xuất giảm 20%, tương đương chi phí đầu tư tiết kiệm được có thể lên tới 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.

Ước tính phạm vi 1 triệu hecta lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất tăng lên khoảng hơn 16.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nông dân cũng có thể tăng thêm lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon.

Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn, bình quân 1 hecta lúa có thể bán được tín chỉ ở mức khoảng 10 tấn carbon, tương đương với 100 USD.

Để đề án 1 triệu hecta lúa có hiệu quả

Giai đoạn 1 của đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng được xây dựng trên nền các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), khoảng 180.000 hecta. Đây là giai đoạn cơ bản thuận lợi về nhiều mặt. Vấn đề còn lại là các giải pháp, nhiệm vụ cho giai đoạn 2 kéo dài đến năm 2030.

"Trong đề án này, chúng ta tập trung cho cái tổ chức sản xuất nhiều. Bởi vì chính cái tổ chức sản xuất mới làm tăng thêm giá trị. Như vậy cuối cùng làm sao tổ chức lại sản xuất lúa này, không chịu tác động của biến đổi khí hậu nhiều và cũng không tác động lại làm cho biến đổi khí hậu tăng lên, thu nhập của người nông dân được ổn định", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

"Các nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng như của quốc tế đã sẵn sàng, chỉ còn là các thủ tục hành chính sao đưa đề án này đến người dân sớm nhất", ông Cao Thăng Bình, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho hay.

"Xây dựng chương trình hành động cụ thể, làm việc với các bộ để làm rõ cơ chế triển khai dự án, phối hợp Ngân hàng Thế giới, làm sao đề án đi vào hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của bà con nông dân", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

Theo VTV.VN

Các tin khác


Giải ngân vốn đầu tư công - tạo đà tăng trưởng kinh tế

Kết quả của tăng trưởng kinh tế được đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, đầu tư công sẽ tạo đà vững chắc cho phục hồi và phát triển KT-XH sau ảnh hưởng nặng nề, chưa có trong tiền lệ của đại dịch Covid-19. Do đó, đẩy mạnh giải ngân VĐTC, nhất là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với tăng tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng.

Huyện Mai Châu: Tiếp sức cho người dân vùng đất khó

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đang mở ra cơ hội nâng cao đời sống vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Mai Châu nói riêng. Từ khi Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được ban hành, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mai Châu đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, phê duyệt danh sách các đối tượng và giải ngân nguồn vốn vay.

60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm

Chiều 8/12, tại huyện Cao Phong, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 60 doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.

Các dự án điện gió đóng góp gì cho kinh tế Đắk Nông?

Các dự án điện gió ở Đắk Nông khi hoàn thành sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Huyện Yên Thủy tăng cường thu ngân sách nhà nước

Năm 2023, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho huyện Yên Thủy là 65,2 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí và các khoản thu khác 55,2 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất (SDĐ) 10 tỷ đồng. HĐND huyện giao chỉ tiêu thu ngân sách 180 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí và thu khác (không tính tiền SDĐ) 55,9 tỷ đồng, thu tiền SDĐ 124,1 tỷ đồng.

Việt Nam tăng cường quảng bá sản phẩm dệt may tại Ấn Độ

Trung tâm xúc tiến và Tổ chức hội chợ Worldex dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Dệt may Ấn Độ đã tổ chức Hội chợ dệt may Nam Á 2023 (Intex South Asia) tại Trung tâm triển lãm IICC, thủ đô New Delhi, Ấn Độ từ ngày 7-9/12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục