Các bộ luật sửa đổi quan trọng liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản gồm Kinh doanh Bất động sản, Nhà ở, Đất đai được Quốc hội thông qua mới đây sẽ đồng loạt có hiệu lực từ tháng 1/2025.


Các căn hộ nhà ở xã hội khu dân cư Nam Long, quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Những dự án luật quan trọng này sẽ giải quyết các tồn đọng, giúp khai thác tối đa nguồn lực và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản.

Việc đồng bộ hóa các chính sách sẽ góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở, giúp dòng tiền được luân chuyển một cách linh hoạt. Trong số đó, nhà ở xã hội được coi là một trong những phân khúc cấp thiết của thị trường. Các chuyên gia nhận định, việc ban hành quy định về quỹ đất, đối tượng, giá bán, quy hoạch… khi được áp dụng sẽ tạo ra nguồn cung nhà ở dồi dào cho người có thu nhập thấp, trung bình.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét: Việc Quốc hội thông qua cả 3 luật sửa đổi là Kinh doanh bất động sản, Nhà ở và Đất đai đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng. Nhờ vào sự "trợ lực" của các dự án luật này, việc phát triển nhà ở xã hội có thêm nhiều kết quả tích cực hơn.

Trong Luật Nhà ở mới, đối với những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất nhà sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Đồng thời chủ đầu tư sẽ được miễn trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ. Đặc biệt, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là "điểm cộng” để tăng sức hút đầu tư.

Cùng đó, Luật Đất đai mới cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được quỹ đất sạch, rõ ràng hơn khi điều chỉnh theo hướng minh bạch, công khai – ông Đính phân tích.

Năm 2024, nhà ở xã hội được xác định là phân khúc trọng tâm cần phát triển. Bộ Xây dựng cho biết, có 108 dự án nhà ở xã hội với quy mô 47.532 căn đã được các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng trong năm 2024. Nhiều địa phương có số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đăng ký hoàn thành lớn, dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, tại khu vực miền Trung và phía Nam, Tp. Hồ Chí Minh đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô 3.765 căn; Đà Nẵng 3 dự án với 1.880 căn; Bình Dương 20 dự án, tương ứng 4.500 căn; Cần Thơ có 2 dự án, khoảng 1.535 căn; An Giang 4 dự án, quy mô 1.907 căn.

Ở khu vực phía Bắc, số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành của Bắc Ninh là 5 dự án, quy mô 6.000 căn; Hải Phòng 8 dự án với 3.925 căn; Quảng Ninh có 3 dự án, tương ứng 1.600 căn; Hà Nội 3 dự án, quy mô 1.181 căn; Bắc Giang 2 dự án với 2.428 căn và Hà Nam 4 dự án, khoảng 1.666 căn…

Căn cứ vào con số này, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo, năm 2024 sẽ là thời điểm "bùng nổ” về nguồn cung nhà ở xã hội "bùng nổ" và phân khúc này có thể trở thành cứu cánh cho thị trường bất động sản trong giai đoạn vẫn chưa hết khó khăn. Cũng nhờ những động lực chính sách, ngay từ đầu năm 2024, đã có nhiều dự án nhà ở xã hội quy mô lớn được các doanh nghiệp công bố và khởi công xây dựng.

Điển hình như Công ty cổ phần Vinhomes liên tiếp khởi công 2 dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home với quy mô hơn 100 ha tại Thành phố Hải Phòng và tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, dự án nhà ở xã hội Happy Home Hải Phòng có quy mô hơn 28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp 4.004 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 10.000 người.

Dự án nhà ở xã hội Happy Home tại Khánh Hòa có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, quy mô 87,64 ha, với khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Vinhomes cho biết còn tiếp tục triển khai thêm dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home tại Thanh Hóa với quy mô 3.100 căn trong năm 2024.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024 để đáp ứng nhu cầu cao về phân khúc này trên thị trường. Đơn cử như Công ty BIC Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai dự án Rice City Tố Hữu (711 căn) và Rice City Long Biên (600 căn) tại Hà Nội; Công ty Newland dự kiến khởi công Dự án Tân Phú Hưng với quy mô 1.260 căn tại thành phố Hải Dương...

Trước những tín hiệu vui này, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, khi sản phẩm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội được đi vào hoạt động, thu hút dòng tiền của người dân sẽ kéo theo các phân khúc khác cũng lưu thông, giúp thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn sóng gió.

Nhà ở xã hội sẽ trở thành phân khúc "cứu cánh" cho thị trường bất động sản năm 2024 và những năm tiếp sau. Nhất là khi hành lang pháp lý đồng bộ và các thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn dưới luật... cũng nhanh chóng được ban hành với hàng loạt quy định mới thì sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Đây cũng là điểm sáng, tạo động lực cho cả thị trường bất động sản tốt lên. Tuy nhiên, hiện vẫn đang phải đợi các luật mới sẽ sớm đi vào cuộc sống thực tế, khi đó thị trường mới có sự thay đổi rõ rệt - ông Thịnh chia sẻ.

Mặc dù cần ít nhất gần 1 năm nữa thì các dự án luật này mới chính thức đi vào cuộc sống, nhưng từ lúc này, việc đồng bộ chính sách đã mang lại nhiều tác động tích cực đến tâm lý người dân và giúp doanh nghiệp có kế hoạch, định hướng đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, việc đồng bộ văn bản luật được xem như bước "mở đường" cho nhà ở xã hội thời gian tới và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Từ đó, sớm cải thiện nguồn cung nhà ở và hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người dân.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Xã Nánh Nghê: Người dân khẩn trương thực hiện kế hoạch sản xuất vụ xuân

Nằm ở vị trí cuối cùng của huyện vùng cao Đà Bắc, xã Nánh Nghê được ví như điểm "cực Bắc” của tỉnh. Mặc dù đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, thời tiết khắc nghiệt nhưng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các chương trình, mục tiêu, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Khởi sắc ngành nông nghiệp huyện Yên Thủy

Với việc lập thành công bản đồ thổ nhưỡng, từ đó huyện Yên Thủy triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện có 21 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao, 17 sản phẩm 3 sao), góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo sự khởi sắc cho ngành nông nghiệp.

Giá vàng lên mức cao nhất trong 3 tháng

Giá vàng lên mức cao nhất trong ba tháng trong phiên giao dịch 4/3 do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

Dự kiến thả 17.500 con cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh, đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh duy trì diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng 2.695 ha, trong đó nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi là 1,2 nghìn ha; diện tích nuôi đạt khoảng 90%, diện tích còn lại đang cải tạo chuẩn bị thả giống. Hiện, tổng số lồng nuôi cá có gần 5.000 lồng; 2 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.658 tấn, đạt 17,27% kế hoạch giao.

Tháng 2, toàn tỉnh trồng trên 360 ha rừng trồng tập trung

Thực hiện kế hoạch trồng rừng, kế hoạch trồng cây phân tán năm 2024, kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, dự án bảo vệ phát triển rừng tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, tập trung trồng rừng vụ xuân hè và cả năm 2024 theo kế hoạch.  

Toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp thành lập mới

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 40 lượt hồ sơ, trong đó có 25 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, 15 hồ sơ đề nghị điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án. UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 1 dự án, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án và chấp thuận nhà đầu tư 1 dự án.   

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục