Người dân xã Giáp Đắt (Đà Bắc) nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều năm trước, gia đình bà Vì Thị Nhắm, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc) duy trì chăn nuôi bò. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp vì gia đình bà có thể thả bò vào rừng, nguồn thức ăn có sẵn. Tuy nhiên, mấy năm trước bà đã quyết định bán bò để chuyển sang nuôi dê, bởi giá bò giảm sâu nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, một số hộ ở các xã lân cận đã chuyển sang nuôi dê với đầu ra thuận lợi, giá bán luôn ổn định trên 100 nghìn đồng/kg. Nhờ được vay vốn ngân hàng, gia đình bà Nhắm đã quyết định đầu tư nuôi dê, đến nay hướng đi này đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Bà Nhắm chia sẻ: Nuôi dê nhàn hơn, buổi sáng thả chúng lên đồi, chiều tối thì lùa về chuồng. Do dê ăn tạp, nguồn thức ăn lại có sẵn nên chỉ cần mua thêm muối pha nước cho uống, chứ không tốn kém chi phí thức ăn. Đặc biệt, dê sinh sản nhanh, 2 năm sinh 3 lứa nên tăng đàn nhanh. Hiện nay gia đình đã có đàn dê trên 20 con. Mỗi năm dê đều sinh sản, nuôi từ 6 tháng trở lên là có thể xuất bán. Đầu ra thì không khó khăn vì thương lái vào mua tận nhà. Gia đình có đồi rừng thì nuôi con dê là thích hợp nhất.
Cùng xóm Bao, gia đình chị Sa Thị Đày cũng đã gắn bó với dê gần 4 năm nay. Đàn dê của gia đình chị Đày duy trì hơn 10 con, trong đó có 6 con dê sinh sản, còn lại là dê đực và dê thịt. Theo chị Đày, giống mà gia đình đang nuôi là dê cỏ, dê núi có kích thước nhỏ nhưng khoẻ mạnh, chất lượng thịt thơm ngon. Đặc biệt là dê sinh sản nhanh, mỗi lứa đẻ từ 2 - 3 con. Dê con nuôi được 1 năm tuổi sẽ đạt trọng lượng khoảng 20kg thì gia đình chị sẽ xuất bán, giá dao động từ 110 - 130 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm được giá 150 nghìn đồng/kg. "So với nuôi trâu, bò, lợn thì nuôi dê nhàn hơn mà giá bán ổn định. Vào mùa mưa vì chúng sợ nước nên gia đình phải chủ động đi cắt cỏ, đồng thời tiêm phòng một số bệnh để dê phát triển tốt”, chị Đày cho biết.
Ngoài Giáp Đắt, dê còn được nuôi nhiều ở một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc, như Nánh Nghê, Mường Chiềng, Tân Pheo, Đoàn Kết. Bên cạnh đó, ở khu vực vùng huyện, nuôi dê cũng được chú trọng. Như xã Tú Lý, hiện có hàng chục hộ nuôi dê. Nếu ở các xã vùng cao, bà con chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả thì ở xã Tú Lý, các hộ nuôi bán chăn thả. Để phát triển chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, Hợp tác xã chăn nuôi dê Đà Bắc (xã Tú Lý) đã được thành lập. Với hợp tác xã này, các hộ sẽ liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu dê Đà Bắc trong tương lai.
Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Hiện nay, tổng đàn dê trên địa bàn huyện có trên 8 nghìn con và đang tiếp tục được người dân phát triển. Trong bối cảnh chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn do biến động của thị trường thì nuôi dê đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Với những tiềm năng, lợi thế về nguồn thức ăn, bãi chăn thả, huyện Đà Bắc khuyến khích người dân chăn nuôi dê, nhất là ở các xã vùng cao có địa hình núi đá. Các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục chú trọng tập huấn về khoa học kỹ thuật để phát triển nghề nuôi dê bền vững.
Viết Đào