Nhiều năm qua, gia đình ông Xa Kỳ Đông, xóm Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên có nguồn thu nhập ổn định.
Tú Lý là một trong những xã đầu tiên của huyện Đà Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về Tú Lý cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng quê này khi cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ. Những năm qua, người dân xã Tú Lý chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều cây, con giống có giá trị cao vào sản xuất. Gia đình ông Xa Kỳ Đông, xóm Tình là một trong những hộ có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Cũng có lợi thế về đất vườn, đất ruộng như bao hộ dân khác, nhưng gia đình ông Đông không chỉ tập trung trồng ngô, lúa đơn thuần mà nhiều năm nay duy trì mô hình trồng rau sạch tại vườn nhà. Mùa nào thức nấy, khu trồng rau rộng hơn 2.000m2 với hệ thống tưới nước tự động đã đem lại cả trăm triệu đồng cho gia đình. Ngoài ra, ông Đông dành một nửa diện tích đất ruộng để trồng các loại khoai tây, mướp đắng, bí lấy hạt. Đầu năm nay, gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng rau sang trồng bí lấy hạt và mướp đắng lấy hạt. Ông Đông chia sẻ: "Nếu chỉ trồng lúa hay một số cây trồng truyền thống thì hiệu quả kinh tế không cao. Do đó phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để tập trung vào những cây trồng có giá trị cao. Như với 1.000 m2 trồng mướp đắng hay trồng bí lấy hạt có thể đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Với diện tích bí, mướp đắng, gia đình đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên không lo về đầu ra”.
Ngoài gia đình ông Đông, ở xóm Tình cũng có những hộ đã chuyển diện tích vườn tạp sang trồng rau, nấm. Tiêu biểu như gia đình ông Đinh Công Tuyên đã chuyển 3.000 m2 đất vườn sang chuyên canh các loại rau (theo mùa vụ) và trồng nấm, đem lại thu nhập ổn định hàng năm. Cách xã Tú Lý không xa, xã Toàn Sơn cũng có nhiều hộ gặt hái được thành công từ nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, Trúc Sơn là xóm tiêu biểu nhất, với nhiều hộ có nguồn thu nhập cao từ trồng đào và trồng cây ăn quả. Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Trường Sơn, xóm Trúc Sơn quyết định phá bỏ cây tạp trong vườn để chuyển sang trồng ổi, nhãn, bưởi. Hiện nay, vườn ổi rộng 3.000m2 đem lại thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, gia đình ông còn nấu rượu, tận dụng bỗng rượu để nuôi lợn. Tính ra mỗi năm tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông Sơn đạt vài trăm triệu đồng.
Trên địa bàn toàn huyện, hiện nay, Đà Bắc đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 70 - 75 triệu đồng. Theo đó, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, huyện tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực và khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Viết Đào