Vừa qua, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh đã diễn ra Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024. Sự kiện quy tụ hơn 200 doanh nghiệp với 250 gian hàng từ 30 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam, tạo nên không gian sôi động, đa dạng cho các hoạt động giới thiệu sản phẩm, mô hình kinh doanh và kết nối giao thương.


Gian hàng nước mắm Ba Làng thu hút khá đông khách hàng là những người nội trợ.

Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 14-20/10 với chủ đề "Hòa Bình cùng cả nước hội nhập và phát triển”. Nằm trong Chương trình khuyến công quốc gia, có quy mô cấp khu vực, hội chợ tạo cầu nối để các tổ chức, cơ quan, đơn vị gặp gỡ, trao đổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Đây cũng là cơ hội để tỉnh Hòa Bình giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; đẩy mạnh phát triển thị trường, triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển thương hiệu Việt. Để tạo thêm không khí sôi động, 6 đêm ca nhạc đặc sắc đã diễn ra xuyên suốt chương trình. 

Đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng Ban Tổ chức hội chợ cho biết: Hội chợ lần này đã tạo cơ hội hấp dẫn cho việc trưng bày và giao thương của hơn 1.000 sản phẩm từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Sự đa dạng trong danh mục sản phẩm, đặc biệt là sự xuất hiện của các mặt hàng OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã thu hút sự chú ý của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Các đơn vị tham gia gian hàng đã tận dụng sự kiện để kết nối trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và các nhà phân phối. Điều này không chỉ gia tăng cơ hội bán hàng, mà còn thúc đẩy hình thành các mối quan hệ kinh doanh chiến lược với các đối tác trong khu vực.

Với diện tích tiêu chuẩn 9m2, mỗi gian hàng của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm thế mạnh, có tiềm năng cạnh tranh ở thị trường trong nước, xuất khẩu. Cùng với đó là các sản phẩm nông sản, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP đã được xếp hạng.

Hơn 10 lần đưa các sản phẩm nước mắm Ba Làng bày bán tại các hội chợ, anh Văn Đình Linh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Quang Linh, huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thương hiệu nước mắm Ba Làng đã nổi tiếng toàn quốc qua việc tích cực quảng bá, đưa sản phẩm vào các siêu thị, bán tại khu vực nông thôn và các hội chợ. Trong 6 ngày diễn ra hội chợ tại Hòa Bình, nhờ ở vị trí trung tâm nên gian hàng của anh thu hút được nhiều khách đặt mua với số lượng 100-150 lít/ngày. Các sản phẩm khác như mắm tôm, mắm tép, tôm chua… cũng được nhiều khách mua.

Theo anh Linh, ngoài chất lượng sản phẩm, hàng hóa phong phú, yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm tại các hội chợ chính là tinh thần, thái độ phục vụ. Thay vì ngồi im, chờ khách đến hỏi mua, anh và các nhân viên thường xuyên mời chào, giới thiệu sản phẩm và áp dụng chương trình khuyến mại đi kèm. "Sau một hồi giới thiệu sản phẩm, kể cả khách không mua thì chúng tôi vẫn vui vẻ cảm ơn và tặng 1 chai nước mắm nhỏ vài chục ml về ăn thử. Với cách làm này, cơ sở nước mắm Quang Linh đã đón được nhiều khách quay trở lại mua và kết nối được với các cửa hàng tạp hóa, cơ sở kinh doanh nông sản sạch, an toàn ở Hòa Bình và một số tỉnh, thành phố. Tôi hy vọng sẽ có những đơn hàng từ những kết nối này”- anh Linh vui vẻ cho biết.

Chiều 20/10 - ngày cuối của Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024, trên kệ tại các gian trưng bày, hàng hóa còn lại thưa thớt. Với lượng khách đến thăm quan, mua sắm lên đến hàng chục nghìn người, tổng doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng, hội chợ có thể nói đã thành công tốt đẹp. Ngoài đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại Hòa Bình, sự hiện diện của các sản phẩm, thương hiệu từ các khu vực khác giúp nâng cao nhận thức về đa dạng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ trên thị trường nội địa. Qua đó, góp phần làm tăng sự cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung.


Minh Vũ

Các tin khác


Giá vàng leo cao và lập đỉnh kỷ lục

Trong tuần, vàng thế giới đã trải qua hành trình tăng giá và thiết lập đỉnh giá 2.722 USD/ounce vào ngày 18/10 vừa qua.

Cần giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh lịch sử vào ngày 26/9/2024, ở mức 2.700 USD/ ounce. Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014 - 2021; từ cuối năm 2021 tới giữa năm 2024, chênh lệch giá trong nước so với thế giới tăng cao, có lúc lên tới xấp xỉ 18 triệu đồng/ lượng (khoảng 25%). Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Góp phần gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái

Thành lập từ năm 2013, đến nay, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu (xã Chiềng Châu, Mai Châu) đã có 21 thành viên và khoảng 80 lao động ngoài HTX tham gia làm việc theo các đơn đặt hàng. Trải qua nhiều thăng trầm, HTX từng bước đứng lên, khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ người dân tộc Thái trên địa bàn xã. Đặc biệt, thời gian qua, với tâm huyết và quyết tâm, những phụ nữ Thái làm việc tại HTX không ngừng sáng tạo, nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống, đưa sản phẩm đậm bản sắc dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.

Giải phóng mặt bằng dự án đô thị sinh thái, vui chơi giải trí tại xã Kim Bôi, Cuối Hạ

Dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ là 1 trong 2 dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện Kim Bôi. Cấp ủy, chính quyền huyện đang phối hợp triển khai các bước bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng tái định cư, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai theo kế hoạch.

Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 17/10, UBND tỉnh tổ chức họp, nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) (sau đây gọi tắt là Chương trình) 9 tháng năm 2024; bàn phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục