Sản phẩm OCOP dược liệu cao xạ đen và cao dạ cẩm của Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trị (Yên Thủy) tham gia trưng bày tại Lễ hội cá, tôm sông Đà, tỉnh Hòa Bình lần thứ hai, tháng 11/2024.
Đưa chúng tôi đi tham quan các vườn trồng cây dược liệu, đồng chí Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Với giá trị kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng khoai, trồng sắn, các loại cây dược liệu được người dân trong xã ưu tiên lựa chọn phát triển và nhân rộng trong những năm gần đây.
Hiện nay, diện tích vườn tạp, đất xấu, kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây dược liệu trên địa bàn xã khoảng 15ha, với trên 140 hộ tham gia trồng; trong đó có 6ha xạ đen, 1ha dạ cẩm và 8ha trồng các loại dược liệu khác như: lá khôi, chè vằng, sâm đá, giảo cổ lam, thìa canh... Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 450 tấn, tương ứng 121 tấn sản phẩm thành phẩm.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, ngoài lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, Yên Trị còn có đội ngũ lương y khá đông đảo với khoảng 50 người, trong đó có 1 lương y tiêu biểu toàn quốc. Các lương y kế thừa và phát huy được nhiều bài thuốc gia truyền, đặc biệt trong điều trị các bệnh về gan, xương khớp, thận, tiêu hóa... Thêm vào đó, người dân Yên Trị có kinh nghiệm lâu đời trong trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để địa phương phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm OCOP dược liệu một cách bền vững.
Hiện xã có 2 sản phẩm OCOP dược liệu đều đạt tiêu chuẩn 3 sao là cao xạ đen và cao dạ cẩm, chủ thể là Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trị. Với công nghệ chiết xuất hiện đại, bảo toàn được dược tính, các sản phẩm OCOP trên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển bền vững cây dược liệu và sản phẩm OCOP dược liệu ở Yên Trị vẫn còn những vấn đề đặt ra, như đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định, chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết bền vững; công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế, chưa đồng bộ.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng thí điểm mô hình phát triển các sản phẩm OCOP dược liệu gắn với vùng nguyên liệu địa phương tại xãYên Trị, huyện Yên Thủy, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho địa phương. Đề án đã chỉ rõ các giải pháp khắc phục những vấn đề đang đặt ra, trong đó, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống kênh mương tưới tiêu; chú trọng đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ hiện đại và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh liên kết vớidoanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... Cùng với đó, đề án cũng chỉ rõ cần nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm mới từ cây dược liệu như bột hòa tan, trà túi lọc, bánh dược liệu hay nước uống dược liệu...
Đề án dự kiến hỗ trợ người dân phát triển thêm 36ha vùng nguyên liệu với các loại cây trồng như: xạ đen, dạ cẩm, cây khôi, chè vằng, sâm đá, giảo cổ lam 5 lá, thìa canh… và 25ha vùng đệm trồng cà gai leo tại 2 xã Đa Phúc, Lạc Lương. Qua đó mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển sản phẩm OCOP dược liệu ở Yên Trị, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Minh Vũ