Việc Thủ tướng chấm dứt hoạt động sàn vàng đang tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Tuy nhiên, phân tích về những mặt lợi và hại của hoạt động sàn vàng trong điều kiện không có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để tìm ra giải pháp thích hợp mới là điều đáng quan tâm. PV Báo SGGP trao đổi với TS Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), về vấn đề này.

 

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến giá vàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

- PV: Là một trong những đơn vị tổ chức kinh doanh vàng, ông nhận xét thế nào về hoạt động sàn vàng sau 2 năm “chạy thử”?

TS NGUYỄN TUẤN QUỲNH: Ngoài việc đóng góp vào ngân sách, giải quyết vấn đề lao động thì sàn vàng cũng trở thành một kênh đầu tư được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, ngoài các lợi ích nêu trên và cũng khác với thị trường chứng khoán, sàn vàng đã không có đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà. Trong thời gian qua, do chưa có những quy định cụ thể quản lý sàn vàng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư nên rất nhiều nhà đầu tư vàng tại Việt Nam thua lỗ. Với hình thức đầu tư có “tổng bằng 0” này, người thắng thường là các “nhà cái” nước ngoài hoặc các chủ sàn vàng trong nước. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã mất đi một số lượng ngoại tệ do thua lỗ trong kinh doanh vàng tài khoản.

- Ông có thể nói rõ hơn việc tại sao người thắng trong cuộc chơi này thường nghiêng về các “nhà cái nước ngoài” hoặc các chủ sàn trong nước?

Thực tế cũng có một số nhà đầu tư vàng kinh doanh có lãi nhưng không nhiều. Đa số, các nhà đầu tư vàng bị lỗ. Bài học kinh điển và cơ bản trong đầu tư nói chung đó là phải biết stop loss (cắt lỗ), nhưng rất ít nhà đầu tư áp dụng được mặc dù họ hiểu rất rõ sự cần thiết. Ở đây, yếu tố tâm lý quyết định sự thành công hay thất bại của nhà đầu tư. Về xác suất thì thật ra số deal (thương vụ) thắng nhìn chung là cao hơn các thương vụ bị thua lỗ.

Tuy nhiên, khi thắng thì thắng không nhiều, nhưng khi lỗ thì lại lỗ rất nặng, nên tổng kết lại vẫn thua lỗ! Tâm lý chung của nhà đầu tư là khi thấy có lời một chút là vội vàng chốt lời, nhưng khi lỗ thì lại luôn hy vọng giá sẽ biến động theo chiều hướng có lợi theo dự đoán của mình, để rồi lỗ nặng hơn, thậm chí là thua hết tiền ký quỹ. Khi nhà đầu tư cá nhân thua lỗ, tất nhiên, các “nhà cái” nước ngoài hoặc chủ sàn trong nước sẽ lời!

- Việc ngưng mọi hoạt động sàn vàng trên tài khoản ở trong nước, kể từ 30-3-2010 theo chỉ đạo của Thủ tướng trong thời điểm này, theo ông là hợp lý?

Theo tôi đây là quyết định hợp lý và nên làm. Mặc dù, sàn vàng cũng có những đóng góp nhất định, nhưng rõ ràng là đang thiếu những quy định pháp lý cần thiết để hoạt động sàn vàng diễn ra một cách lành mạnh, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Các vụ tranh chấp gần đây giữa các nhà đầu tư cá nhân và sàn vàng đã chứng minh điều đó.

Tôi thiết nghĩ, trong 90 ngày sắp tới, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu và đệ trình cho Chính phủ những quy định pháp luật phù hợp có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh sàn vàng. Để rồi sau đó, các sàn vàng có thể hoạt động trở lại trong khuôn khổ pháp lý đầy đủ và rõ ràng. Tôi vẫn cho rằng, kinh doanh vàng trên sàn là một lựa chọn chính đáng của nhà đầu tư cá nhân!

Mai Thi thực hiện

TS Nguyễn Quang A: Sàn vàng tạo tâm lý đầu cơ chứ không phải đầu tư

Quyết định chấm dứt hoạt động của các sàn vàng là một quyết định đúng. Nếu vàng là hàng hóa thật, có mua bán thật (vàng vật lý) thì không cần phải hạn chế, không cần phải cấm hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu vàng, với chức năng tiền tệ thì vàng phải được quản lý như Nhà nước quản lý ngoại hối, không thể thả lỏng như vừa qua, rất bất ổn.

Hiện nay tất cả các sàn vàng đều hoạt động trên cơ sở coi vàng là tiền trên tài khoản, vàng ít khi được giao dịch thực tế. Nói cách khác, kinh doanh vàng ở sàn vàng hiện nay giống như đánh bạc. Sàn vàng hiện nay chủ yếu để tạo tâm lý cho các nhà đầu cơ, chứ không phải là đầu tư. Trường hợp người dân có tiền tích lũy, mua 1 - 2 cây vàng để gửi lấy lãi là chuyện khác, vì điều này lành mạnh.

Nhưng với hoạt động như vừa qua của các sàn vàng, có thể thấy giống như hoạt động của ngân hàng, của công ty chứng khoán. Kể cả khi sàn vàng thực hiện ký quỹ 10% nhưng kinh doanh 100% thì đòn bẩy vẫn là 9 lần. Trong điều kiện như vậy, loại hình kinh doanh sàn vàng hiện nay là khá rủi ro cho giới đầu tư và cả hệ thống tài chính vì kinh doanh vàng tài khoản là một ngành đặc thù có liên quan đến cung cầu tiền tệ quốc gia

 

                                                                          Theo SGGP

Các tin khác

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2010.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục